Có thể thay mặt cho những người lao động trong nhóm ký hợp đồng với đơn vị thi công có được không?

Tôi là trưởng nhóm thợ xây dựng chuyên nhận thầu công việc tại các công trình xây dựng, sau đó giao lại cho anh em trong nhóm làm. Lâu nay, chúng tôi chỉ làm việc với đơn vị nhận thi công bằng việc trao đổi trực tiếp với nhau chứ không có hợp đồng lao động. Luật sư cho tôi hỏi: Tôi có thể thay mặt cho những người lao động trong nhóm ký hợp đồng với đơn vị thi công có được không?

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động căn cứ theo quy định của Điều 15, Bộ luật Lao động. Khoản 1, Điều 18, Bộ luật Lao động nhấn mạnh rằng trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ. Do đó, về nguyên tắc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ, không được thông qua người ủy quyền. 

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động cho phép một trường hợp ngoại lệ được quy định tại Khoản 2, Điều 18, Bộ luật Lao động, đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết HĐLĐ bằng văn bản; trường hợp này HĐLĐ có hiệu lực như giao kết với từng người. Trong trường hợp này, HĐLĐ do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

Theo những viện dẫn ở trên, bạn có thể thay mặt cho những người lao động trong nhóm ký hợp đồng với đơn vị thi công được nếu thỏa mãn 3 điều kiện sau: (i) Phải là một người trong nhóm người lao động muốn giao kết HĐLĐ với đơn vị nhận thi công; (ii) HĐLĐ phải là loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; (iii) Phải kèm theo HĐLĐ danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

* Em đã chấm dứt hợp đồng lao động và thanh lý hợp đồng với công ty vào ngày 23-6-2014. Nhưng sau khi thanh lý hợp đồng cho đến nay, công ty trì hoãn không thanh toán số lương còn lại cho em. Như vậy, công ty có phạm luật không và em phải làm gì để sớm nhận được tiền lương đó ạ? Chân thành cảm ơn luật sư! 

Lê Quang Minh, Biên Hòa

- TS. LS Nguyễn Bình An:

Tuy Bộ luật Lao động không có quy định về thanh lý hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng theo thông tin bạn đã nêu, có thể hiểu rằng, thanh lý HĐLĐ đó là bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ được hai bên đồng ý ký. Theo quy định tại Điều 47, Bộ luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Như vậy, hành vi trì hoãn thanh toán tiền lương cho người lao động của công ty đã vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ. Trong trường hợp này, căn cứ theo Điều 8, Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động.

Bạn có quyền làm đơn khiếu nại đến Phòng LĐ-TBXH nơi công ty có trụ sở để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi của mình trước khi khởi kiện ra tòa. Căn cứ Khoản 1, Điều 201, Bộ luật Lao động, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. 

Nếu không đồng ý với kết quả hòa giải hoặc hòa giải không thành, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi công ty có trụ sở để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình căn cứ theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Lao động.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào