Cách tính trợ cấp thôi việc cho nhân viên

Chị A làm việc tại công ty tôi từ 1.7.2004, hợp đồng ký kết giữa hai bên là HĐ không kỳ hạn. Nay, chị A xin nghỉ việc để chuyển sang làm ở công ty khác (nghỉ việc tại công ty tôi ngày 30.6.2013 và đến làm ngay tại công ty mới ngày 1.7.2013). Chị A đã báo trước 45 ngày và công ty đã đồng ý theo đúng luật định về việc chấm dứt HĐ lao động. Báo Lao Động cho tôi hỏi: 1. Chị A có được nhận trợ cấp thôi việc từ năm 2004 đến 2008 hay không khi chị đi làm ngay lập tức tại công ty mới? Tại sao? 2. Nếu công ty tôi phải trả trợ cấp thôi việc cho chị A thì tiền lương căn cứ để tính trợ cấp là tiền lương của 6 tháng liền kề trước ngày 1.1.2009 (thời điểm đóng BH thất nghiệp) hay của 6 tháng liền kề năm 2013 (trước khi chị A nghỉ)? 3. Công ty tôi hiện nay có 5 nhân viên bắt đầu làm việc tại công ty trước năm 2009 (thời điểm đóng BHTN), công ty tôi muốn giải quyết trợ cấp thôi việc luôn cho các nhân viên này. Sau này khi các nhân viên đó nghỉ việc, chúng tôi sẽ không phải làm các thủ tục này nữa. HĐLĐ của họ là HĐ không thời hạn và hiện họ vẫn làm việc tại công ty, chúng tôi có được làm như vậy không? Có được giải quyết chế độ cho họ khi HĐLĐ của họ vẫn còn hiệu lực? Mong sớm nhận được câu trả lời của quý báo.

Đối với câu hỏi liên quan đến chị A

Chị A và công ty của bạn thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 30.6.2013. Thời điểm chị A chấm dứt hợp đồng lao động sau khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực. Như vậy việc chị A chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại khoản 3, Điều 36, Bộ luật Lao động 2012. Điều 48, Bộ luật Lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc, như sau:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Theo quy định nêu trên chị A được hưởng trợ cấp thôi việc từ năm 2004 - 2008 theo quy định của khoản 1, 2 Điều 48, Bộ luật Lao động. Lương tính trợ cấp thôi việc là bình quân lương 6 tháng liền kề trước khi chị A nghỉ việc (từ tháng 1 – 6.2013), theo quy định của khoản 3, Điều 48 Bộ luật Lao động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành không quy định chị A có việc làm ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp không được hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó, chị A đi làm ở cơ quan mới ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty của bạn, chị A vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc.

Đối với câu hỏi liên quan đến 5 người khác.

Việc trả trợ cấp thôi việc chỉ phát sinh khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Do đó, khi 5 người lao động và công ty chưa chấm dứt hợp đồng lao động thì chưa có căn cứ để trả trợ cấp thôi việc. Không có cách nào để trả trợ cấp thôi việc đúng pháp luật khi hợp đồng lao động đang có hiệu lực.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trợ cấp thôi việc

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào