Hưởng chế độ thai sản khi nạo thai được quy định thế nào?

1. Về chế độ thai sản: Nhân viên A có song thai 14 tuần, đã nạo thai ở tuần thứ 14 và chỉ nghỉ 17 ngày (từ ngày 12-28/02/2016), các ngày còn lại đi làm và cty trả lương bình thường nhưng trên mẫu C65 của bệnh viện ghi nghỉ do nạo thai từ ngày 19/02-29/03/2016. Vậy nhân viên A có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không? và được hưởng bao nhiêu ngày (nếu có)? 2. Chế độ thai sản: nhân viên B muốn hưởng chế độ thai sản thì kể từ ngày sinh con lùi lại đến đủ 12 phải tham giam đủ 6 tháng (hoặc đủ 3 tháng nếu có giấy của cơ sở khám chữa bệnh chứng nhận thai yếu phải nghỉ dưỡng) nhưng có cần điều kiện là tháng liền kề trước khi sinh con phải có đóng BHXH hay không cần điều kiện này? Mong sớm nhận được giải đáp từ quý Cơ quan. xin chân thành cám ơn quý Cơ quan!

1. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý (Điều 33 Luật BHXH năm 2014):

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Và tại Khoản 1 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 quy định BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp lao động A đã nạo thai ở tuần thứ 14, trên mẫu C65-HD của bệnh viện bác sĩ ghi nghỉ do nạo thai từ ngày 19/02-29/03/2016 (40 ngày) là đúng theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế do lao động A chỉ nghỉ từ ngày 12-28/02/2016, nên lao động A được hưởng chế độ BHXH trả thay lương là 10 ngày từ ngày 19/02/2016 – 28/02/2016 (từ ngày 12/02/2016 đến ngày 18/02/2016 không có chỉ định cho nghỉ của bác sĩ nên thời gian này không tính vào thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định).

2. Chế độ thai sản:

Tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 có quy định như sau: Người lao động quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Và tại Khoản 1, Điều 9 Mục 2 Chương II Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: 

Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

 Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH,, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi ...”

Ví dụ: Trường hợp của lao động B sinh con trong khoảng thời gian từ ngày 15/9/2016 đến 14/10/2016, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, nếu trong khoảng thời gian này lao động B đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên thì lao động B được hưởng chế độ thai sản theo quy định (không bắt buộc tháng liền kề trước khi sinh con phải có đóng BHXH).

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ thai sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào