Ông bà của người xin vào Đảng có phải thẩm tra lý lịch không?
Ông bà của người xin vào Đảng có phải thẩm tra lý lịch không?
Căn cứ Tiểu mục 3.4 Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định thủ tục xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại):
3. Thủ tục xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại)
[...]
3.4. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng
a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:
- Người vào Đảng.
- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra, xác minh
- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
[...]
Theo quy định trên, đối tượng cần thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng bao gồm:
- Người vào Đảng
- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân
- Vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Như vậy, trường hợp là ông bà của người xin vào Đảng thì không cần thẩm tra lý lịch.
Ông bà của người xin vào Đảng có phải thẩm tra lý lịch không? (Hình từ Internet)
Mẫu lý lịch của người xin vào Đảng mới nhất năm 2024 và hướng dẫn cách ghi?
Căn cứ Mẫu 2-KNĐ Phụ lục 2 Các mẫu tài liệu về công tác Đảng viên ban hành kèm theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022 hướng dẫn mẫu lý lịch của người xin vào Đảng như sau:
Tải về Mẫu lý lịch của người xin vào Đảng
* Hướng dẫn cách ghi mẫu lý lịch của người xin vào Đảng
(1) Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, bằng chữ in hoa
(2) Nam, nữ: Là nam thì gạch chữ "nữ", là nữ thì gạch chữ "nam"
(3) Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
(4) Các bí danh: Ghi các bí danh đã dùng (nếu có)
(5) Sinh ngày ... tháng ... năm ...: Ghi đúng ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy khai sinh.
(6) Nơi sinh: Ghi nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.
(7) Quê quán: Ghi theo quê quán trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay)
(8) Nơi cư trú:
- Nơi thường trú: Ghi địa chỉ đăng ký thường trú
- Nơi tạm trú: Bản thân đang tạm trú ở đâu thì ghi địa chỉ nơi tạm trú đó.
(9) Dân tộc: Ghi tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường...
(10) Tôn giáo: Theo tôn giáo nào thì ghi rõ, nếu không theo tôn giáo nào thì ghi chữ “không”.
(11) Nghề nghiệp hiện nay: Ghi rõ công việc chính đang làm theo hợp đồng lao động hoặc quyết định, tuyển dụng, phân công, bổ nhiệm...
(12) Trình độ hiện nay:
- Giáo dục phổ thông: Ghi rõ đã học xong lớp mấy, hay tốt nghiệp hệ 10 năm, 12 năm, học phổ thông hay bổ túc.
- Giáo dục nghề nghiệp: Ghi theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp.
- Giáo dục đại học và sau đại học: Ghi theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, hình thức đào tạo (chính quy, tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa).
- Học hàm: Ghi chức danh được Nhà nước phong
- Lý luận chính trị: Ghi theo chứng chỉ, văn bằng cao nhất đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân; học tập trung hay không tập trung.
- Ngoại ngữ: Ghi theo văn bằng hoặc chứng chỉ đã được cấp
- Tin học: Đối với hệ bồi dưỡng thì ghi theo chứng chỉ, chứng nhận đã được cấp; nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành tin học thì ghi là đại học.
- Tiếng dân tộc thiểu số: Nói được tiếng dân tộc thiểu số nào thì ghi rõ tên dân tộc đó.
(13) Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đoàn
(14) Đối với người xin được kết nạp lại vào Đảng:
- Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng
- Ngày và nơi công nhận chính thức lần thứ nhất: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi được công nhận chính thức
- Người giới thiệu vào Đảng lần thứ nhất: Ghi rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác của từng người tại thời điểm giới thiệu mình vào Đảng, nếu ban chấp hành đoàn cơ sở hoặc tập thể chi đoàn cơ sở giới thiệu thì ghi rõ tên tổ chức đoàn thanh niên cơ sở và đoàn thanh niên cấp trên trực tiếp
(15) Lịch sử bản thân: Tóm tắt quá trình từ thời niên thiếu cho đến ngày tham gia hoạt động xã hội
(16) Những công việc, chức vụ đã qua: Ghi đầy đủ, rõ ràng, liên tục từ khi tham gia hoạt động xã hội; đi làm; đi học đến nay, từng thời gian làm việc gì? Ở đâu? Giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học, xã hội...
(17) Đặc điểm lịch sử: Ghi rõ lý do bị gián đoạn hoặc không sinh hoạt đảng (nếu có); có bị bắt, bị tù không (do chính quyền nào, từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu). Có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, trụ sở của tổ chức đặt ở đâu?). Đã tham gia các chức sắc gì trong các tôn giáo.
(18) Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: Ghi rõ đã học những lớp lý luận chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ nào, theo chương trình gì; cấp nào mở, tên trường, thời gian học, ở đâu; học chính quy hay tại chức; tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.
(19) Đi nước ngoài: Ghi rõ thời gian từ tháng năm nào đến tháng năm nào, đi nước nào; cơ quan, đơn vị, tổ chức nào quyết định (chỉ ghi các trường hợp đi học tập, lao động hợp tác, công tác...từ 3 tháng trở lên).
(20) Khen thưởng: Ghi rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng (từ bằng khen trở lên), cấp nào quyết định; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân...
(21) Kỷ luật: Ghi rõ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật (kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên). Cấp nào quyết định.
(22) Hoàn cảnh gia đình: Ghi rõ những người chủ yếu trong gia đình như:
- Đối với ông, bà, nội ngoại của bản thân, của vợ (hoặc chồng)
- Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ); cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng); vợ (hoặc chồng).
- Anh chị em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng); các con bao gồm con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp
(23) Tự nhận xét: Ghi những ưu, khuyết điểm chính của bản thân về các mặt phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ quần chúng; sự tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác, làm việc đối với bản thân như thế nào?
(24) Cam đoan và ký tên: Ghi rõ “Tôi cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực và chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đã khai trong lý lịch”; ngày, tháng, năm, ký và ghi rõ họ tên.
Lưu ý: Chi bộ, cấp ủy cơ sở chưa nhận xét, chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch mà chỉ đóng dấu giáp lai vào tất cả các trang và ảnh trong lý lịch của người xin vào Đảng; gửi công văn đề nghị thẩm tra hoặc cử đảng viên đi thẩm tra lý lịch.
Không được cử người vào Đảng hoặc người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp) của người vào Đảng đi thẩm tra lý lịch.
(25) Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng nơi đến thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng
(26) Nhận xét của chi ủy hoặc của chi bộ (nơi không có chi ủy)
(27) Chứng nhận của cấp ủy cơ sở
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ gì?
Căn cứ Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định nhiệm vụ của Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:
- Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
- Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.