Xuất hóa đơn quà tặng cho nhân viên như thế nào?
Xuất hóa đơn quà tặng cho nhân viên như thế nào?
Theo Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
[...]
Căn cứ tại Công văn 63653/CTHN-TTHT năm 2020 hướng dẫn về xuất hóa đơn đối với hàng cho, biếu, tặng, trả thay lương như sau:
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Nội dung vướng mắc liên quan đến hóa đơn, chứng từ về việc mua, bán điểm Vinpoint, đề nghị Công ty nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4631/TCT-CC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Tổng cục Thuế.
Trường hợp Công ty có phát sinh các hóa đơn mua vào của hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ nếu đáp ứng quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC .
2. Trường hợp Công ty có phát sinh tặng quà cho cán bộ nhân viên thì khi tặng quà Công ty phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Trường hợp cán bộ nhân viên của Công ty nhận được các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do Công ty trả thì các khoản lợi ích này thuộc các khoản thu nhập chịu thuế TNCN theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC .
Mặt khác, theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về giá tính thuế như sau:
Điều 7. Giá tính thuế
[...]
3. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
[...]
Riêng biếu, tặng giấy mời (trên giấy mời ghi rõ không thu tiền) xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, thi đấu thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật thì giá tính thuế được xác định bằng không (0). Cơ sở tổ chức biểu diễn nghệ thuật tự xác định và tự chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời, danh sách tổ chức, cá nhân mà cơ sở mang biếu, tặng giấy mời trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, thi đấu thể thao. Trường hợp cơ sở có hành vi gian lận vẫn thu tiền đối với giấy mời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
[...]
Như vậy, việc xuất hóa đơn quà tặng cho nhân viên được thực hiện như sau:
[1] Về nguyên tắc, khi tặng quà tết cho nhân viên, công ty phải lập hóa đơn. Thời điểm xuất hóa đơn trong trường hợp này là thời điểm tặng quà cho nhân viên.
[2] Giá tính thuế GTGT của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ dùng để tặng quà cho nhân viên là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động tặng quà.
Xuất hóa đơn quà tặng cho nhân viên như thế nào? (Hình từ Internet)
Ủy nhiệm hoá đơn cần đảm bảo nguyên tắc nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định ủy nhiệm hoá đơn cần đảm bảo các nguyên tắc dưới đây:
- Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được quyền ủy nhiệm cho bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán, là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Quan hệ liên kết được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
- Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm.
- Việc ủy nhiệm phải thông báo cho cơ quan thuế khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
- Hóa đơn điện tử do tổ chức được ủy nhiệm lập là hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế và phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của bên ủy nhiệm và tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhận ủy nhiệm.
- Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm có trách nhiệm niêm yết trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người mua hàng hóa, dịch vụ được biết về việc ủy nhiệm lập hóa đơn. Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước thời hạn ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử theo thỏa thuận giữa các bên thì bên ủy nhiệm, bên nhận ủy nhiệm hủy các niêm yết, thông báo trên website của đơn vị mình hoặc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về việc ủy nhiệm lập hóa đơn.
- Trường hợp hóa đơn ủy nhiệm là hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thì bên ủy nhiệm phải chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ để chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Bên nhận ủy nhiệm có trách nhiệm lập hóa đơn điện tử ủy nhiệm theo đúng thực tế phát sinh, theo thỏa thuận với bên ủy nhiệm và tuân thủ nguyên tắc ủy nhiệm hoá đơn theo quy định pháp luật.
Ký hiệu hóa đơn do Cục Thuế đặt in được quy định như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định ký hiệu hóa đơn do Cục Thuế đặt là một nhóm gồm 08 ký tự thể hiện thông tin về: Cục Thuế đặt in hóa đơn; năm đặt in hóa đơn; ký hiệu hóa đơn do cơ quan thuế tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý, cụ thể như sau:
- Hai ký tự đầu tiên thể hiện mã của Cục Thuế đặt in hóa đơn và được xác định theo Phụ lục 1.A ban hành kèm theo Thông tư 78/2021/TT-BTC.
- Hai ký tự tiếp theo là hai chữ cái trong 20 chữ cái in hoa của bảng chữ cái Việt Nam gồm: A, B, C, D, E, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y thể hiện ký hiệu hóa đơn do cơ quan thuế tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý;
- Một ký tự tiếp theo là “/” để phân cách;
- Ba ký tự tiếp theo gồm hai ký tự đầu là hai chữ số Ả rập thể hiện năm Cục Thuế đặt in hóa đơn, được xác định theo 02 chữ số cuối của năm dương lịch và một ký tự là chữ cái P thể hiện hóa đơn do Cục Thuế đặt in. Ví dụ: Năm Cục Thuế đặt in là năm 2022 thì thể hiện là số 22P; năm Cục Thuế đặt in hóa đơn là năm 2023 thì thể hiện là số 23P;
- Ví dụ thể hiện các ký tự của ký hiệu mẫu hóa đơn do Cục Thuế đặt in và ký hiệu hóa đơn do Cục Thuế đặt in:
Ký hiệu mẫu hóa đơn “01GTKT3/001”, Ký hiệu hóa đơn “01AA/22P”: được hiểu là mẫu số 001 của hóa đơn giá trị gia tăng có 3 liên do Cục Thuế thành phố Hà Nội đặt in năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.