Thuế lũy tiến là gì? Biểu thuế lũy tiến từng phần theo tháng, theo năm mới nhất năm 2024?
Thuế lũy tiến là gì?
Hiện có chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể thuế lũy tiến. Thuế lũy tiến được sử dụng phổ biến trong việc xác định số thuế TNCN, còn gọi là thuế lũy tiến từng phần, là một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân trong đó mức thuế suất tăng dần (từ 5%-35%) theo từng bậc thu nhập tính thuế.
Người có thu nhập cao sẽ áp dụng mức thuế cao, người thu nhập thấp sẽ áp dụng mức thuế suất thấp.
Căn cứ theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì biểu thuế lũy tiến từng phần được áp dụng cho cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm:
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
- Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Đối với những khoản thu nhập đến từ những nguồn khác như đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn góp, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thu nhập từ việc trúng giải thưởng, thu nhập từ tiền lương, tiền công từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú có thuế suất từ 0.1% đến 20%.
Xem chi tiết tại Chương 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Chương 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Thuế lũy tiến là gì? Biểu thuế lũy tiến từng phần theo tháng, theo năm mới nhất năm 2024? (Hình từ Internet)
Biểu thuế lũy tiến từng phần theo tháng, theo năm mới nhất năm 2024?
Theo quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về biểu thuế lũy tiến từng phần theo tháng, theo năm mới nhất năm 2024 được áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 như sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Lưu ý: Quy định này áp dụng cho cá nhân cư trú.
Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công không thuộc thu nhập chịu thuế TNCN 2024?
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định như sau:
Điều 3. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.”
...
Theo đó, các khoản thu nhập từ tiền lương tiền công không thuộc thu nhập chịu thuế TNCN, bao gồm:
- Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;
- Phụ cấp quốc phòng, an ninh;
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động 2019;
- Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương tiền công theo quy định của Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.