Kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán độc lập trong trường hợp nào?
Kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán độc lập trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 202/2012/TT-BTC, kiểm toán viên hành nghề sẽ bị đình chỉ hành nghề kiểm toán độc lập trong các trường hợp dưới đây:
- Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán.
- Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kiểm toán.
- Bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kiểm toán độc lập hai lần trong thời hạn 36 tháng liên tục.
- Kiểm toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.
- Kiểm toán viên hành nghề không thực hiện trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề theo quy định.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán độc lập bao lâu thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư 202/2012/TT-BTC quy định như sau:
Điều 13. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán
1. Kiểm toán viên hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong các trường hợp sau:
a) Gian lận, giả mạo hồ sơ đăng ký hành nghề để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;
b) Bị đình chỉ hành nghề kiểm toán hai lần trong ba mươi sáu (36) tháng liên tục;
c) Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
d) Bị thu hồi Chứng chỉ kiểm toán viên;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Tài chính có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và gửi quyết định cho người bị thu hồi Giấy chứng nhận, doanh nghiệp kiểm toán nơi người đó đăng ký hành nghề.
3. Người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không được tiếp tục ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét và phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư này.
[...]
Như vậy, kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán độc lập hai lần trong 36 tháng liên tục thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán độc lập là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định như sau:
Điều 15. Đăng ký hành nghề kiểm toán
1. Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:
a) Là kiểm toán viên;
b) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên;
c) Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
[...]
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định như sau:
Điều 14. Tiêu chuẩn kiểm toán viên
1. Kiểm toán viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
c) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;
d) Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì được công nhận là kiểm toán viên.
Từ những căn cứ trên, điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán độc lập đó là:
- Là kiểm toán viên. Để trở thành một kiểm toán viên độc lập, cá nhân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính
+ Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.
Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan thì được công nhận là kiểm toán viên.
- Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên.
- Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.