Có được sử dụng tiếng anh làm ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí không?
Hợp đồng dầu khí là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Luật Dầu khí 2022 quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
4. Hợp đồng dầu khí là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu để tiến hành hoạt động dầu khí.
..
Như vậy, hợp đồng dầu khí là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu để tiến hành hoạt động dầu khí.
Có được sử dụng tiếng anh làm ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí không? (Hình từ Internet)
Có được sử dụng tiếng anh làm ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí không?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Dầu khí 2022 quy định như sau:
Điều 34. Ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí
Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận. Bản tiếng Việt và tiếng Anh hoặc bản tiếng nước ngoài thông dụng khác có giá trị pháp lý ngang nhau
Theo đó, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận.
Như vậy, các bên có thể thỏa thuận việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí, tuy nhiên, phải sử dụng cả ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng dầu khí này.
Nội dung của hợp đồng dầu khí bao gồm những thông tin gì?
Căn cứ theo Điều 30 Luật Dầu khí 2022 quy định về nội dung của hợp đồng dầu khí như sau:
[1] Đối với hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, bao gồm những nội dung chính như sau:
- Tư cách pháp lý, quyền lợi tham gia của nhà thầu ký kết hợp đồng;
- Đối tượng của hợp đồng;
- Giới hạn diện tích và tiến độ hoàn trả diện tích hợp đồng;
- Hiệu lực của hợp đồng, thời hạn hợp đồng, các giai đoạn của hợp đồng, điều kiện gia hạn các giai đoạn và việc điều chỉnh, gia hạn thời hạn hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng, người điều hành;
- Cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu theo giai đoạn của hợp đồng;
- Nguyên tắc chia sản phẩm dầu khí và xác định chi phí thu hồi;
- Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí;
- Quyền của nước chủ nhà đối với tài sản, công trình dầu khí sau khi thu hồi chi phí và sau khi chấm dứt hợp đồng;
- Điều kiện chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng;
- Quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham gia vào hợp đồng khi có phát hiện thương mại và được ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ mà nhà thầu chuyển nhượng trong hợp đồng khi có chuyển nhượng;
- Cam kết về hoa hồng, đào tạo, quỹ nghiên cứu khoa học và ưu tiên sử dụng lao động, dịch vụ Việt Nam;
- Trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong khi tiến hành hoạt động dầu khí; nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng, xử lý các vi phạm;
- Phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và luật áp dụng.
[2] Đối với hợp đồng dầu khí khác: Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định nội dung chính phù hợp với đặc thù của mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.
Trong trường hợp nào hợp đồng dầu khí sẽ chấm dứt hiệu lực?
Căn cứ theo Điều 35 Luật Dầu khí 2022 quy định như sau:
Điều 35. Chấm dứt hiệu lực hợp đồng dầu khí
1. Hợp đồng dầu khí chấm dứt hiệu lực theo quy định tại hợp đồng dầu khí hoặc kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí nhưng không được gia hạn theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 31 của Luật này.
2. Hợp đồng dầu khí kết thúc trước thời hạn theo sự thỏa thuận của các bên ký kết hợp đồng với điều kiện nhà thầu phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết và phải thông báo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước 06 tháng so với thời điểm đề xuất chấm dứt hợp đồng dầu khí trước thời hạn.
Như vậy, hợp đồng dầu khí chấm dứt hiệu lực trong trường hợp:
- Theo quy định tại hợp đồng dầu khí;
- Kết thúc thời hạn hợp đồng dầu khí nhưng không được gia hạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.