Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất có bắt buộc phải công chứng không theo Luật Đất đai 2024?
Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất có bắt buộc phải công chứng không?
Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
[...]
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Theo quy định trên, pháp luật không bắt buộc hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất phải thực hiện công chứng mà chỉ được công chứng theo yêu cầu của các bên.
Tuy nhiên, các giao dịch liên quan đến bất động sản thường phức tạp và xảy ra tranh chấp, vậy nên các bên nên thực hiện công chứng đối với hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất để đảm bảo giá trị pháp lý.
Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất có bắt buộc phải công chứng không? (Hình từ Internet)
Người thuê lại đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 19. Các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Như vậy, người thuê lại đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư vào các hoạt động nào?
Căn cứ theo Điều 8 Luật Đất đai 2024, Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư vào các hoạt động dưới đây:
- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; xử lý đất, đất có mặt nước bị ô nhiễm, phục hồi đất bị thoái hóa.
- Lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy định của Luật này.
- Tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn.
- Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất, phát triển công trình ngầm.
- Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.
Lưu ý: Nội dung bài viết được viết dựa theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013. Từ ngày 01/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Đất đai 2013.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.