Hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm gồm những gì?
Hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm gồm những gì?
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục B Phần 2 thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bổ sung và thay thế trong lĩnh vực việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 572/QĐ-LĐTBXH năm 2021, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp dưới đây:
- Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, thành phần hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm gồm có các giấy tờ như sau:
- Văn bản đề nghị thu hồi giấy phép theo Mẫu số 05 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP.
- Giấy phép đã được cấp hoặc văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm đối với trường hợp giấy phép bị mất.
- Báo cáo tình hình hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp theo Mẫu số 08 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 23/2021/NĐ-CP.
Hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm gồm những gì? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm theo hình thức nào?
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục B Phần 2 thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bổ sung và thay thế trong lĩnh vực việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 572/QĐ-LĐTBXH năm 2021, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm theo 01 trong 03 hình thức sau đây:
- Nộp hồ sơ qua cổng thông tin Dịch vụ công trực tuyến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu có).
- Nộp hồ sơ trực tiếp đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi giả mạo giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm đ khoản 5, khoản 7 Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 7. Vi phạm quy định về dịch vụ việc làm
...
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp dịch vụ việc làm có một trong các hành vi sau đây:
...
a) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
b) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Giả mạo văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn hoặc cấp lại Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Giả mạo Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
7. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 5, khoản 6 Điều này.
...
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi giả mạo giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và bị tịch thu giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm giả mạo.
Đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm. thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.