Ai được vào xem các phiên xét xử công khai của Tòa án?
Ai được vào xem các phiên xét xử công khai của Tòa án?
Theo quy định Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về nguyên tắc tổ chức xét xử công khai của Tòa án như sau:
Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về nguyên tắc tổ chức xét xử công khai của Tòa án như sau:
Điều 15. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
...
2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.
Căn cứ theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về nội quy phiên tòa như sau:
Điều 234. Nội quy phiên tòa
1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.
2. Nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
3. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
...
Đồng thời, theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về nội quy phiên tòa như sau:
Điều 256. Nội quy phiên tòa
1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.
Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Như vậy, khi tòa án thông báo vụ án được xét xử công khai, mọi người đều có thể tham gia xem xét xử, tuy nhiên khi đến tham dự bạn phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa hoặc theo hướng dẫn của Thư ký Tòa án, đồng thời khi tham gia phiên tòa xét xử, người tham gia cần tuân thủ đúng nội quy của phiên tòa.
Lưu ý: Đối với phiên tòa xét xử hình sự, người dưới 16 tuổi không được tham gia xem xét xử trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Ai được vào xem các phiên xét xử công khai của Tòa án? (Hình từ Internet)
Hội đồng xét xử vụ án dân sự gồm những ai?
[1] Đối với hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự:
Theo Điều 63 Bộ luật Dân sự 2015 thì hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn thì do một Thẩm phán tiến hành.
Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
+ Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
+ Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.
[2] Đối với Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Theo Điều 64 Bộ luật Dân sự 2015, hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba Thẩm phán, trừ trường hợp xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn thì do một Thẩm phán tiến hành.
Hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai?
Thành phần hội đồng xét xử trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
[1] Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
+ Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.
+ Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
+ Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
[2] Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự:
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.