Hiện nay chủ nhiệm Đoàn Luật sư do ai bầu? Làm chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải có tối thiểu bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề luật sư?
Hiện nay chủ nhiệm Đoàn Luật sư do ai bầu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định như sau:
Điều 23. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
1. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư do Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư bầu ra trong số các luật sư đã được Đại hội bầu vào Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Nhiệm kỳ của Chủ nhiệm Đoàn Luật sư theo nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.
Một luật sư chỉ được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nhiều nhất không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp tính đến thời điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư, trừ trường hợp đặc biệt, nhưng cũng không được quá 03 nhiệm kỳ liên tiếp và phải có ý kiến đồng ý của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
...
Theo đó, hiện nay chủ nhiệm Đoàn Luật sư sẽ do Đại hội luật sư của Đoàn Luật sư bầu ra trong số các luật sư đã được Đại hội bầu vào Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.
Hiện nay chủ nhiệm Đoàn Luật sư do ai bầu? Làm chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải có tối thiểu bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề luật sư? (Hình từ Internet)
Luật sư tham gia Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải có tối thiểu bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề luật sư?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 22 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022 quy định như sau:
Điều 22. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư
...
3. Luật sư tham gia Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải có đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư;
b) Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư;
c) Có năng lực quản lý, điều hành;
d) Có uy tín và khả năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư trong Đoàn Luật sư;
đ) Có điều kiện về thời gian và sức khỏe để tham gia quản lý, điều hành Đoàn Luật sư.
...
Như vậy, luật sư tham gia Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư.
- Có năng lực quản lý, điều hành.
- Có uy tín và khả năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư trong Đoàn Luật sư.
- Có điều kiện về thời gian và sức khỏe để tham gia quản lý, điều hành Đoàn Luật sư.
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 22 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2022, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận tập sự hành nghề luật sư; quản lý tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật; đăng ký gia nhập và tổ chức kết nạp luật sư; chuyển, tiếp nhận luật sư từ Đoàn Luật sư khác.
- Nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gửi Sở Tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.
- Giám sát luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
- Giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; quyết định hoặc đề nghị khen thưởng đối với tổ chức hành nghề luật sư.
- Phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
- Tổ chức bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cho luật sư theo hướng dẫn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tổ chức bồi dưỡng theo nhu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư.
- Hoà giải tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư với luật sư; giữa luật sư với tổ chức hành nghề luật sư; giữa các tổ chức hành nghề luật sư với nhau; giữa khách hàng với luật sư; giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư.
- Xem xét và quyết định việc khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật đối với luật sư thành viên, kể cả luật sư thành viên đang giữ các chức danh của Đoàn Luật sư.
- Tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư; phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp của luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.
- Tổ chức, phân công luật sư của Đoàn Luật sư tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý.
- Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Báo cáo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư và chất lượng đội ngũ luật sư của Đoàn Luật sư theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.