Thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc về ai?
Thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc về ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định như sau:
Điều 81. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.
...
Căn cứ theo Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm k khoản 73, điểm c khoản 74 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Điều 38. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:
....
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
...
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
...
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
...
Theo đó, khi quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt cần phải lập biên bản.
Hiện nay chủ thể có thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính đó là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Trong đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Vậy nên, thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật vi phạm hành chính sẽ thuộc về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định xử phạt.
Thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc về ai? (Hình từ Internet)
Việc bảo quản tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu phải tuân theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 138/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ
1. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
2. Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.
3. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn; bảo đảm tính nguyên vẹn.
4. Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Như vậy, việc bảo quản tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu phải tuân theo các nguyên tắc dưới đây:
- Phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
- Phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.
- Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật bị tạm giữ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo quản tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm các khoản nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 138/2021/NĐ-CP, kinh phí bảo đảm cho công tác bảo quản tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm các khoản dưới đây:
- Chi xây dựng, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc thuê nơi tạm giữ.
- Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, giám định tang vật bị tịch thu.
- Chi phí để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo cho người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật bị tạm giữ.
- Các khoản chi khác theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.