Người thân có được nhận trợ cấp khi thương binh qua đời không?
Người thân có được nhận trợ cấp khi thương binh qua đời không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Nghị định 131/2021/NĐ-CP về trợ cấp đối với người thân của thương binh sau khi thương binh qua đời như sau:
Điều 121. Điều kiện giải quyết trợ cấp khi người có công từ trần
1. Trợ cấp mai táng thực hiện theo mức quy định tại thời điểm người có công hoặc người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là thân nhân liệt sĩ, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trần.
2. Trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng (không gồm trợ cấp người phục vụ) đối với đại diện thân nhân khi người có công hoặc người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là thân nhân liệt sĩ, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trần.
3. Trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng được thực hiện đối với thân nhân của người có công còn sống.
4. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng nếu đủ điều kiện sau:
a) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
b) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận, không có thu nhập hằng tháng hoặc tổng thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn.
5. Trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với người quy định tại khoản 4 Điều này nếu dưới 18 tuổi mà mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc sau khi đủ 18 tuổi mà sống cô đơn.
Như vậy, người thân sau khi thương binh qua đời sẽ được nhận trợ cấp, bao gồm:
- Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.
- Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 3 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.
- Trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hẵng tháng đối với thân nhân của thương binh còn sống, con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Người thân có được nhận trợ cấp khi thương binh qua đời không? (Hình ảnh từ Internet)
Để nhận được trợ cấp khi thương binh qua đời cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
[1] Về trợ cấp mai táng
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, để nhận trợ cấp mai táng, người thân thương binh cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện mai táng có trách nhiệm lập bản khai theo mẫu số 12 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP kèm theo bản sau được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi địa phương quản lý hồ sơ người có công.
- Trường hợp người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chưa hưởng trợ cấp một lần mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau :
+ Huân chương Kháng chiến
+ Huân chương Chiến thắng
+ Huy chương Kháng chiến
+ Huy chương Chiến thắng
+ Giấy chứng nhận đeo huân chương, huy chương
+ Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng
++ Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến thực tế của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện trở lên gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy báo tử.
+ Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng chưa hưởng trợ cấp ưu đãi mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”
+ Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945
+ Huân chương Kháng chiến
+ Huy chương Kháng chiến
+ Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến
+ Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và quá trình tham gia giúp đỡ cách mạng của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện trở lên đối với trường hợp không có tên trong các giấy tờ quy định trên nhưng có tên trong hồ sơ khen thưởng gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy báo tử
[2] Về trợ cấp một lần
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, để nhận trợ cấp một lần đối với người thân thương binh qua đời cần lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 131/2021NĐ-CP kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi địa phương quản lý hồ sơ người có công.
[3] Về trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, để nhận trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với người thân thương binh qua đời cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Thân nhân người có công có trách nhiệm lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.
- Trường hợp thân nhân là con chưa đủ 18 tuổi phải có thêm bản sao được chứng thực từ giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.
- Trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên đang đi học phải có thêm giấy xác nhận của cơ sở giáo dục nơi đang theo học; nếu đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học thì phải có thêm bản sao được chứng thực từ Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục trung học phổ thông về thời điểm kết thúc học.
Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với thân nhân thương binh sau khi từ trần được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 125 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với thân nhân thương binh sau khi từ trần như sau:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết.
- Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi trở lên nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
- Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên không có thu nhập hằng tháng hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
- Trường hợp khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết mà cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi đủ tuổi.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.