Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi nào? Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như thế nào?
Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là gì?
Tại Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 có quy định như sau:
Điều 21. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội
1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
Như vậy, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 có quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi nào?
Căn cứ tại Điều 7 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
Điều 7.
1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.
Như vậy, Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.
Tại Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 có quy định về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như sau:
Điều 40. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội
1. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
2. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
3. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Như vậy, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội trong 2 trường hợp: Quốc hội bãi nhiệm và cử tri bãi nhiệm.
- Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
- Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khi nào? Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như thế nào?
Tại Điều 45 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 có quy định về trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội như sau:
Bước 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Bước 2. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
Bước 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
Bước 4. Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có quyền phát biểu ý kiến.
Bước 5. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
Bước 6. Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Bước 7. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.
Bước 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Bước 9. Quốc hội thảo luận.
Bước 10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Bước 11. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.