Cần đáp ứng các điều kiện nào để được thành lập nhà trẻ công lập?
Nhà trẻ là gì?
Căn cứ tiết a Tiểu mục 1.1 Mục 1 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 03/2024/TT-BGDĐT quy định về nhà trẻ như sau:
GIÁO DỤC MẦM NON
1.1. Nhà trẻ
1101. Số nhà trẻ
a. Khái niệm, phương pháp tính
- Nhà trẻ là cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.
- Loại hình:
+ Công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
+ Dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện hoạt động
+ Tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
...
Như vậy, nhà trẻ là cơ sở giáo dục mầm non được thành lập theo loại hình công lập, dân lập hoặc tư thục, có nhiệm vụ nhận giảng dạy và chăm sóc trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.
Cần đáp ứng các điều kiện nào để được thành lập nhà trẻ công lập? (Hình ảnh từ Internet)
Đáp ứng điều kiện nào để được thành lập nhà trẻ công lập?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập nhà trẻ công lập như sau:
Điều 3. Điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục
1. Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Như vậy, tổ chức, cá nhân muốn thành lập nhà trẻ công lập phải có đề án thành lập nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án thành lập nhà trẻ công lập phải xác định được rõ các nội dung sau:
- Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục;
- Đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng nhà trẻ;
- Tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính;
- Phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Nhà trẻ công lập bị đình chỉ hoạt động trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về đình chỉ hoạt động nhà trẻ công lập như sau:
Điều 8. Đình chỉ hoạt động giáo dục trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
1. Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định này;
c) Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
d) Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;
đ) Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, nhà trẻ công lập bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau:
- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;
- Không bảo đảm một trong các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP;
- Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;
- Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;
- Vi phạm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.