Ai là người có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra?
Ai là người có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra?
Căn cứ Điều 70 Luật Thanh tra 2022 quy đinh về tạm dừng cuộc thanh tra như sau:
Điều 70. Tạm dừng cuộc thanh tra
1. Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong trường hợp sau đây:
a) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;
b) Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.
2. Khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
3. Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, quyết định tiếp tục cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.
Như vậy, người ra quyết định thanh tra là người có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong các trường hợp cần tạm dừng cuộc thanh tra sau:
- Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;
- Đối tượng thanh tra có lý do chính đáng đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra và được người ra quyết định thanh tra đồng ý.
Khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng thì người ra quyết định thanh tra cũng có thẩm quyền ra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra.
Ai là người có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra? (Hình từ Internet)
Trưởng đoàn Thanh tra có phải là người ra quyết định thanh tra không?
Căn cứ khoản 16 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 quy định về người tiến hành thanh tra như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
16. Người tiến hành thanh tra bao gồm người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.
...
Căn cứ Điều 52 Luật Thanh tra 2022 quy định về Trưởng đoàn Thanh tra và người ra quyết định thanh tra như sau:
Điều 52. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra
...
2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các kiến nghị của Đoàn thanh tra và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.
3. Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng phạm vi, nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.
Như vậy, Trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra đều là người tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, Trưởng đoàn thanh tra không phải là người ra quyết định thanh tra.
Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.
Việc ra quyết định thanh tra phải dựa trên các căn cứ nào?
Căn cứ Điều 51 Luật Thanh tra 2022 quy định về căn cứ ra quyết định thanh tra như sau:
Điều 51. Căn cứ ra quyết định thanh tra
Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:
1. Kế hoạch thanh tra;
2. Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;
3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
5. Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.
Như vậy, việc ra quyết định thanh tra phải dựa trên một trong các căn cứ gồm kế hoạch thanh tra; yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các căn cứ khác có liên quan theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.