Sổ bảo hiểm xã hội do ai giữ và bảo quản? Nghỉ việc trái luật có được trả sổ bảo hiểm xã hội?
Sổ bảo hiểm xã hội do ai giữ và bảo quản?
Đầu tiên, căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người lao động như sau:
Điều 18. Quyền của người lao động
1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
c) Thông qua người sử dụng lao động.
...
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng đã quy định về trách nhiệm của người lao động như sau:
Điều 19. Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy người lao động có quyền được cấp và giữ sổ bảo hiểm xã hội của mình.
Theo đó, việc bảo quản sổ bảo hiểm xã hội cũng là một trong những trách nhiệm của người lao động.
Do đó, sổ bảo hiểm xã hội do người lao động giữ và bảo quản.
Sổ bảo hiểm xã hội do ai giữ và bảo quản? Nghỉ việc trái luật có được trả sổ bảo hiểm xã hội? (Hình từ Internet)
Nghỉ việc trái luật, có được trả sổ bảo hiểm xã hội?
Theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, như sau:
Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng đã có quy định rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động:
Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
...
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
...
Cuối cùng, theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Như vậy, pháp luật cũng đã quy định rõ người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và trả lại sổ bảo hiểm xã hội nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Việc người lao động nghỉ việc trái pháp luật cũng là hành vi chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật như đã nêu trên mà không bị giữ sổ bảo hiểm xã hội.
Do đó, người lao động dù nghỉ việc trái luật vẫn sẽ được trả sổ bảo hiểm xã hội nếu người sử dụng lao động đang giữ.
Nghỉ việc bao lâu thì người lao động được chốt sổ bảo hiểm xã hội?
Theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
....
Như vậy, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trừ các trường hợp như:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.