Trường bổ túc là trường công lập hay dân lập? Giáo viên trường bổ túc phải có các bằng cấp nào?
Trường bổ túc là trường công lập hay dân lập?
Căn cứ Điều 2 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định vị trí pháp lý của Trung tâm:
Điều 2. Vị trí pháp lý của Trung tâm
1. Trung tâm là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm.
Bổ túc là chương trình học đặc biệt của Bộ giáo dục được tổ chức ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, dành cho những đối tượng không có điều kiện theo học tại các trường THPT công lập hoặc dân lập.
Trường bổ túc cung cấp chương trình giáo dục phổ thông trung học (cấp 3) với mục tiêu giúp học sinh hoàn thành chương trình giáo dục và đạt được bằng tốt nghiệp THPT.
Theo quy định trên, các Trung tâm giáo dục thường xuyên đào tạo bổ túc là đơn vị công lập và được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trường bổ túc là trường công lập hay dân lập? Giáo viên trường bổ túc phải có các bằng cấp nào? (Hình từ Internet)
Giáo viên trường bổ túc phải có các bằng cấp nào?
Căn cứ Điều 20 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên:
Điều 20. Tiêu chuẩn, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
1. Giáo viên giảng dạy các chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định như giáo viên phổ thông tương ứng với từng cấp học.
2. Giáo viên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục, đào tạo để lấy chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân phải đảm bảo các điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
3. Giáo viên tham gia giảng dạy các chương trình giáo dục khác của Trung tâm phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ do giám đốc Trung tâm quy định.
Như vậy, giáo viên trường bổ tục phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định như giáo viên trung học phổ thông tương ứng với từng cấp học. Cụ thể giáo viên trường bổ túc phải có các bằng cấp sau:
[1] Đối với giáo viên hạng 1
- Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
[2] Đối với giáo viên hạng 2
- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
[3] Đối với giáo viên hạng 3
- Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.
Giáo viên trường bổ túc có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 21 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định giáo viên trường bổ túc có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Tham gia điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất việc tổ chức các chương trình và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng;
- Biên soạn tài liệu, tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên do Trung tâm tổ chức;
- Tham gia công tác tuyển sinh và công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục;
- Tham gia quản lý các lớp liên kết đào tạo của Trung tâm;
- Tham gia hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm;
- Hỗ trợ hoạt động chuyên môn tại các Trung tâm học tập cộng đồng;
- Được bồi dưỡng về phương pháp dạy học người lớn.
- Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;
- Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương;
- Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục;
- Vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh;
- Thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục;
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh;
- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, gia đình học sinh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong dạy học và giáo dục học sinh;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại trường bổ túc thì ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn trên còn có thêm những nhiệm vụ và quyền hạn như giáo viên làm công tác chủ nhiệm tại trường phổ thông.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.