Làm cho người khác bị thương tật vĩnh viễn phải bồi thường bao nhiêu?
Khi nào thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Theo đó tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy việc gây thương tật vĩnh viễn cho người khác là xâm phạm đến sức khỏe của họ, người có hành vi xâm phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm.
Tuy nhiên nếu việc gây thương tật cho người đó là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thương tật thì người anh trai bạn cần không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp gia đình bạn có mong muốn bồi thường cho họ hoặc pháp luật có quy định khác.
Làm cho người khác bị thương tật vĩnh viễn, phải bồi thường bao nhiêu mới đủ? (Hình từ Internet)
Thương tật vĩnh viễn là như thế nào?
Thương tật vĩnh viễn là tình trạng tổn thương cơ thể do tai nạn hoặc bệnh tật gây ra, dẫn đến mất đi chức năng hoạt động bình thường của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể một cách vĩnh viễn. Tình trạng này không thể phục hồi bằng các biện pháp điều trị y tế hiện tại.
Có hai loại thương tật vĩnh viễn:
Thương tật bộ phận vĩnh viễn: Là tình trạng mất đi chức năng hoạt động bình thường của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ví dụ: mất ngón tay, mất chân, liệt nửa người,...
Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn: Là tình trạng mất hoàn toàn khả năng lao động và cần được người khác chăm sóc thường xuyên. Ví dụ: mất cả hai tay, mất cả hai chân, mù lòa hai mắt,...
Làm cho người khác bị thương tật vĩnh viễn phải bồi thường bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
Về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự
1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:
a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);
b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;
c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.
Như vậy, việc bồi thường thiệt hại cho người bị thương tật vĩnh viễn sẽ không thể xác định cụ thể là bao nhiêu tiền là đủ mà số tiền bổi thường sẽ được xác định dựa trên các thiệt hại bao gồm:
- Các khoản tiền như chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thương tật vĩnh viễn;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thương tật vĩnh viễn;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thương tật vĩnh viễn.
Ngoài ra, người làm người khác thương tật vĩnh viễn còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.