Hộ nghèo có được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không?
Hộ nghèo có được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
2. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
...
Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc diện hộ nghèo thì sẽ được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Hộ nghèo có được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không? (Hình từ Internet)
Có được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho 5 năm không?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Phương thức đóng
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng;
b) Đóng 03 tháng một lần;
c) Đóng 06 tháng một lần;
d) Đóng 12 tháng một lần;
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể chọn phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, tức là được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho 5 năm.
Có được yêu cầu rút bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 của Luật này.
Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể yêu cầu rút bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần trong các trường hợp dưới đây:
- Đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
- Đi định cư nước ngoài.
- Đang bị mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng:
+ Ung thư;
+ Bại liệt;
+ Xơ gan cổ chướng;
+ Phong;
+ Lao nặng;
+ Nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.