Hướng dẫn cách đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất năm 2024?
Hướng dẫn cách đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất năm 2024?
Cách đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất năm 2024 có thể được thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo đường link: <https://dichvucong.gov.vn/>
Sau đó bạn tiến hành đăng nhập. Nếu chưa có tài khoản, bạn có thể tiến hành đăng ký tài khoản mới.
Bước 2: Trên thanh Menu ở Trang chủ, bạn chọn "Thanh toán trực tuyến” rồi chọn “Thanh toán BHXH, BHYT”. Tiếp theo chọn "Đóng tiếp BHXH tự nguyện".
Bước 3: Nhập mã số BHXH rồi chọn "Tra cứu"
Nếu không nhớ mã số BHXH thì bạn có thể chọn “Tra cứu mã số BHXH” để tìm kiếm.
Nếu nhập đúng mã số BHXH, thông tin về người tham gia, phương thức đóng, thời gian đóng và thông tin về cơ quan BHXH sẽ được hiển thị để bạn kiểm tra.
Sau đó, chọn Ngân hàng thụ hưởng của cơ quan BHXH rồi chọn "Thanh toán".
Bước 4: Cổng thanh toán - Payment Platform sẽ hiển thị cho bạn lựa chọn phương thức thanh toán thông qua Ngân hàng hoặc ví điện tử.
Giả sử, bạn muốn thanh toán qua ngân hàng Vietcombank thì chọn Ngân hàng Vietcombank rồi chọn "Thanh toán".
Hệ thống sẽ điều hướng qua trang Internet Banking của Ngân hàng Vietcombank.
Bước 5: Đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn để tiến hành thanh toán.
Bước 6: Hệ thống sẽ hiển thị lại thông tin thanh toán để bạn xác nhận. Nếu các thông tin đã chính xác, bạn chọn "Xác nhận".
Bước 7: Nhập mã OTP do Ngân hàng gửi đến số điện thoại của bạn để xác nhận việc thanh toán.
Bước 8: Khi thanh toán thành công, hệ thống sẽ tự động điều hướng quay trở lại giao diện của Cổng Dịch vụ công Quốc gia với thông báo "Thanh toán thành công".
Lưu ý: Nội dung hướng dẫn trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Hướng dẫn cách đóng tiếp BHXH tự nguyện online mới nhất năm 2024? (Hình từ Internet)
Điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.
Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên;
- Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những chế độ nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm 02 chế độ là:
- Chế độ hưu trí;
- Chế độ tử tuất.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.