Phẩm màu hóa học là gì? Dùng phẩm màu hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ chế biến thực phẩm bị phạt bao nhiêu tiền?
Phẩm màu hóa học là gì?
Phẩm màu hóa học là các chất hoá học được điều chế nhằm mục đích tăng độ bắt mắt cho các sản phẩm gia dụng như dầu gội, nước rửa bát hoặc thậm chí là cả trong thực phẩm. Có hai loại phẩm màu chính, bao gồm phẩm màu tự nhiên và phẩm màu hóa học.
Phẩm màu tự nhiên thường được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên quen thuộc như củ dền, trái phúc bồn tử, củ nghệ… Dạng phẩm màu này thường có độ bền màu kém và giá thành cũng cao hơn nhiều so với màu tổng hợp nên thường ít được ưa chuộng.
Phẩm màu hóa học được tạo ra bằng các phản ứng hoá học. Chúng thường đạt độ bền màu cao, màu sắc tươi sáng, không cần dùng lượng quá nhiều nhưng vẫn mang đến hiệu quả tạo màu như mong muốn và giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, phẩm màu hóa học lại là một trong những tác nhân có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Lưu ý: Thông tin về phẩm màu hóa học trên đây chỉ mang tính tham khảo.
Phẩm màu hóa học là gì? Dùng phẩm màu hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ chế biến thực phẩm bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Dùng phẩm màu hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ chế biến thực phẩm bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định như sau:
Những hành vi bị cấm
...
3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
...
Và căn cứ tại Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP cũng quy định:
Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm
...
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 5 và 6 Điều này.
Theo đó, hành vi sử dụng phẩm màu hóa hóa, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị phạt tiền lên tới 40 triệu đồng tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi.
Đồng thời, buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm gồm những gì?
Căn cứ Điều 3 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm gồm:
- Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
- Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Người sử dụng hóa chất quá thời hạn sử dụng để chế biến thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính thế nào?
Theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP phẩm màu hóa học về vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
...
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy thực phẩm, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
Theo quy định trên, người sử dụng hóa chất quá thời hạn sử dụng để chế biến thực phẩm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy thực phẩm, hóa chất vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.