Phụ cấp ưu đãi ngành y tế năm 2024 là bao nhiêu?
Phụ cấp ưu đãi ngành y tế năm 2024 là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 05/2023/NĐ-CP một số nội dung bị thay thế bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về mức phụ cấp ưu đãi như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi
1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;
b) Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;
b) Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;
c) Kiểm dịch y tế biên giới.
.....
Ngoài ra, tại Điều 2 Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng và cách tính phụ cấp như sau:
Nguyên tắc áp dụng và cách tính phụ cấp
1. Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.
2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ phần trăm (sau đây viết là %) trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
Thông qua quy định trên, phụ cấp ưu đãi ngành y tế là khoản tiền được cấp cho cán bộ y tế nhằm bồi dưỡng công sức và khuyến khích họ cống hiến cho ngành y. Mức phụ cấp ưu đãi tùy thuộc vào chức danh, vị trí công tác, thời gian công tác và khu vực làm việc.
Hiện nay, phụ cấp ưu đãi ngành y tế năm 2024 được xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của công chức, viên chức được hưởng, cụ thể như sau:
Mức hưởng | Đối tượng áp dụng |
Mức phụ cấp 70% | Công chức viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây: - Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần. - Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý. |
Mức phụ cấp 60% | Công chức viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây: - Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; - Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; - Kiểm dịch y tế biên giới. |
Mức phụ cấp 50% | Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu |
Mức phụ cấp 40% | Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau: - Chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh. - Kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; - Y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; - Sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt. |
Mức phụ cấp 30% | Công chức, viên chức thuộc các trường hợp dưới đây: - Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình; - Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y. |
Mức phụ cấp do thủ trưởng đơn vị quyết định căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng | - Công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung. - Viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học |
Phụ cấp ưu đãi ngành y tế năm 2024 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành y tế?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở) trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập.
2. Nghị định này không áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Như vậy, đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành y tế bao gồm:
- Công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định 58/TTg năm 1994) trực tiếp làm chuyên môn y tế.
- Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập.
*Không áp dụng phụ cấp ưu đãi ngành y tế tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Phụ cấp ưu đãi ngành y tế có bị bãi bỏ sau ngày 01/07/2024 hay không?
Căn cứ theo Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có quy định như sau:
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CẢI CÁCH
.....
3. Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
....
d) Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương
- Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
- Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
.....
Như vậy, phụ cấp ưu đãi ngành y tế là một loại của phụ cấp theo nghề cho nên vẫn được giữ nguyên và không bị bãi bỏ sau ngày 01/07/2024 khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm lại gọi chung là phụ cấp theo nghề.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.