Dropshipping là gì? Kinh doanh Dropshipping là như thế nào?
Dropshipping là gì? Kinh doanh Dropshipping là như thế nào?
Dropshipping dịch ra Tiếng Việt được hiểu là bỏ qua khâu vận chuyển. Đây là mô hình kinh doanh mà người bán không lưu giữ hàng hóa trong kho mà khi có khách hàng đặt mua sản phẩm, người bán sẽ thông qua một bên thứ ba là nhà cung cấp hàng hóa và yêu cầu nhà cung cấp vận chuyển hàng tới tay khách hàng.
Theo đó, khi kinh doanh Dropshipping, người bán sẽ không phải vận chuyển hàng đến cho khách mà chỉ tập trung vào hoạt động marketing sản phẩm, theo dõi đơn hàng và chăm sóc khách hàng. Lợi nhuận thu được chính là phần chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá mình bán cho khách hàng đã trừ đi chi phí vận chuyển.
Tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo các nền tảng kinh doanh Dropshipping uy tín như Shoppe, Lazada, Tiki, Tiktok shop, Sendo,...
Ví dụ, anh A đặt mua hàng từ bạn với giá 1.000.000 đồng. Sau đó, bạn đặt hàng từ nhà cung cấp B với giá 500.000 đồng. Nhà cung cấp B thực hiện đóng gói và vận chuyển sản phẩm đến tay anh A từ thông tin của bạn với phí vận chuyển là 50.000 đồng.
Như vậy, bạn sẽ không phải là bên trực tiếp đóng gói, vận chuyển hàng cho khách và thu lợi nhuận từ chênh lệch giá là 450.000 đồng. Cả quá trình này gọi là kinh doanh Dropshipping.
Dropshipping là gì? Kinh doanh Dropshipping là như thế nào? (Hình từ Internet)
Kinh doanh dropshipping trên các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như sau:
Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người kinh doanh dropshipping trên các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm thực hiện các việc sau, bao gồm:
- Cung cấp chính xác tên và địa chỉ trụ sở hoặc địa chỉ thường trú đối với cá nhân kinh doanh, thông tin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân đối với cá nhân, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ khi đăng ký sử dụng dịch vụ;
- Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh;
- Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn;
- Chấp hành quy định khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử;
- Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử;
- Tuân thủ quy định về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định có liên quan khác;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định.
Danh sách các website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 67 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về danh sách các website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng như sau:
Danh sách các website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng
1. Bộ Công Thương công bố công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử các danh sách sau:
a) Danh sách các website thương mại điện tử có vi phạm quy định của pháp luật;
b) Danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2. Bộ Công Thương quy định chi tiết về cơ chế tiếp nhận, công bố thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về các website thương mại điện tử quy định tại Khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, căn cứ Điều 30 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về việc công bố danh sách các website thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật như sau:
Công bố danh sách các website thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật
1. Bộ Công Thương công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website thương mại điện tử vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử.
2. Thông tin công bố bao gồm:
a) Tên website thương mại điện tử;
b) Tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website;
c) Hành vi vi phạm của thương nhân, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, danh sách các website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng sẽ được Bộ Công thương công bố công khai trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử bao gồm: Danh sách các website thương mại điện tử có vi phạm quy định của pháp luật và danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đối với các website thương mại điện tử có vi phạm quy định của pháp luật thì Bộ Công thương sẽ công bố thông tin về tên website, thông tin người sở hữu website và hành vi vi phạm của website để người tiêu dùng lưu ý, trách bị thiệt hại.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.