Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có được thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại không?
Xúc tiến thương mại là gì? Xúc tiến thương mại gồm những hoạt động nào?
Theo khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định về xúc tiến thương mại như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
....
10. Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
...
Theo đó, xúc tiến thương mại là một hoạt động thương mại, cụ thể là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ
Theo nội dung quy định tại Luật Thương mại 2005 quy định về các hoạt động thuộc xúc tiến thương mại như sau:
[1] Khuyến mại: là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định (theo Điều 88 Luật Thương mại 2005)
[2] Quảng cáo thương mại: là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình (theo Điều 102 Luật Thương mại 2005)
[3] Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ: là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó (theo Điều 117 Luật Thương mại 2005)
[4] Hội chợ, triển lãm thương mại: là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ (theo Điều 129 Luật Thương mại 2005)
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có được thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại không? (Hình từ Internet)
Có thể sử dụng tiền làm hàng hóa khuyến mại không?
Theo Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại như sau:
Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại
Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các quy định cụ thể sau:
1. Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.
2. Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật.
3. Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trừ các trường hợp khuyến mại theo quy định tại các Điều 8, Điều 10, Điều 11 Nghị định này.
Qua đó có thể thấy theo quy định pháp luật thì tiền có thể được sử dụng như hàng hóa dùng để khuyến mại, tuy nhiên trừ các trường hợp sau:
[1] Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền
[2] Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)
[3] Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có được thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại không?
Theo khoản 6 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định về văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
....
6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
...
Đồng thời tại Điều 18 Luật thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của Văn phòng đại diện như sau:
Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
2. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép.
3. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này.
4. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam vẫn được thực hiện các hoat động xúc tiến thương mại trong phạm vi cho phép của pháp luật về thương mại
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.