Công ty luật nước ngoài là gì? Công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải thông báo cho cơ quan nào?
Công ty luật nước ngoài là gì?
Căn cứ Điều 72 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định công ty luật nước ngoài như sau:
Công ty luật nước ngoài
1. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.
Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.
Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.
2. Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư nước ngoài hoặc luật sư Việt Nam.”
Theo đó, công ty luật nước ngoài là tổ chức do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam với mục đích hành nghề luật ở Việt Nam.
Công ty luật nước ngoài có thể được thành lập dưới hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh hoặc công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.
Công ty luật nước ngoài là gì? Công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải thông báo cho cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải thông báo cho cơ quan nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 123/2013/NĐ-CP về tạm ngừng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài, cụ thể như sau:
Tạm ngừng hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài
1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có quyền tạm ngừng hoạt động nhưng phải báo cáo bằng văn bản về việc tạm ngừng và tiếp tục hoạt động với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục hoạt động. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm.
2. Báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động có những nội dung chính sau đây:
a) Tên chi nhánh, công ty luật;
b) Số, ngày, tháng, năm cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật;
c) Địa chỉ trụ sở;
d) Thời gian tạm ngừng hoạt động, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;
đ) Lý do tạm ngừng hoạt động;
e) Báo cáo về việc thanh toán nợ, giải quyết các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng và hợp đồng lao động đã ký với luật sư, người lao động khác của chi nhánh, công ty luật.
3. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với người lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thỏa thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
4. Trong trường hợp công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động thì các chi nhánh của công ty luật đó cũng phải tạm ngừng hoạt động.
Như vậy, công ty luật nước ngoài tạm ngừng hoạt động phải báo cáo bằng văn bản với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng.
Lưu ý: Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 02 năm.
Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện những hoạt động nào?
Những hoạt động công ty luật nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện được quy định tại Điều 70 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:
Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.
Theo đó, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện những hoạt động sau:
- Cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.
- Thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.