Tham ô tài sản là gì? Người có hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? Khi nào bị xử lý hình sự?

Cho hỏi: Tham ô tài sản là gì? Người có hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? Khi nào bị xử lý hình sự? Câu hỏi của anh Lâm (Thanh Hóa)

Tham ô tài sản là gì?

Tham ô tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Người phạm tội tham ô tài sản có thể là công chức, viên chức, cán bộ, người lao động,... có quyền quản lý tài sản nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp,...

Để cấu thành tội tham ô tài sản, người phạm tội cần thỏa mãn các yếu tố sau:

Hành vi chiếm đoạt tài sản: Hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu, sử dụng trái phép tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, nhằm chiếm đoạt tài sản đó. Hành vi chiếm đoạt tài sản có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như:

Lấy tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,... mà mình có trách nhiệm quản lý để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Giả mạo chứng từ, hồ sơ để chiếm đoạt tài sản.

Chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác.

Người phạm tội có trách nhiệm quản lý tài sản: Người phạm tội tham ô tài sản phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, bao gồm:

Công chức, viên chức, cán bộ được giao quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...

Người lao động được giao quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...

Người có thẩm quyền quyết định phân bổ, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...

Tính chất chiếm đoạt: Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội tham ô tài sản phải có tính chất chiếm đoạt, tức là nhằm chiếm đoạt tài sản đó làm của riêng mình.

Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội phạm tham ô tài sản là thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...

Tham ô tài sản là gì? Người có hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? Khi nào bị xử lý hình sự?

Tham ô tài sản là gì? Người có hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? Khi nào bị xử lý hình sự? (Hình từ Internet)

Người có hành vi tham ô tài sản sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Theo Điều 12 Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định về hành vi chiếm đoạt tài sản công cụ thể như sau:

Hành vi chiếm đoạt tài sản công
1. Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.

Như vậy, người có hành vi tham ô tài sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Buộc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi;

Trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt.

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm này là của tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền bằng một nửa của tổ chức (theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2021/NĐ-CP).

Mặc khác, cần phải lưu ý thêm tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, người thực hiện hành vi tham ô có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

Người có hành vi tham ô tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?

Căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định người có hành vi tham ô tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các căn cứ sau đây:

[1] Người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương 23 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội phạm về chức vụ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

[2] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

Các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

[3] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

[4] Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Trần Cao Kỵ
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào