Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023: Chiến lược phòng thủ dân sự đặt ra 10 giải pháp và nhiệm vụ là gì?
Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023: 10 giải pháp và nhiệm vụ được đặt ra trong chiến lược phòng thủ dân sự là gì?
Ngày 14 tháng 11 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Theo Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023 thì 10 giải pháp và nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược phòng thủ dân sự gồm:
[1] Kiện toàn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành phòng thủ dân sự;
[2] Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự;
[3] Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự;
[4] Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi;
[5] Triển khai Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành liên quan;
[6] Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh;
[7] Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình;
[8] Tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
[9] Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;
[10] Tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.
Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023: Chiến lược phòng thủ dân sự đặt ra 10 giải pháp và nhiệm vụ là gì? (Hình từ Internet)
Bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" trong chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự?
Theo Tiểu mục 2 Mục 3 Điều 1 Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023 về mục tiêu cụ thể đến 2030 và những năm sau như sau:
Mục tiêu cụ thể
...
b) Đến năm 2030 và những năm tiếp theo
- Tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp.
- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự quốc gia, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.
- Xây dựng và hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác, sử dụng công trình ngầm, công trình dân sinh, công trình phòng thủ dân sự; kết hợp khu vực phòng thủ và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự thuộc các khu vực rủi ro thiên tai cao; hoàn thành việc đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
- Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn, trọng điểm.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và những năm tiếp theo là đảm bảo thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ.
Những hạn chế trong công tác phòng thủ dân sự của nước ta hiện nay?
Theo Tiểu mục 2 Mục 1 Điều 1 Quyết định 1343/QĐ-TTg năm 2023 về bối cảnh trong nước như sau:
- Hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện phổ cập kiến thức về phòng thủ dân sự cho người dân khu vực vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả chưa cao;
- Nhận thức về phòng thủ dân sự chưa thống nhất;
- Văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng thủ dân sự chưa đầy đủ;
- Cơ chế quản lý, chỉ đạo chưa tập trung.
- Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát dự báo, cảnh báo... chưa đồng bộ ở các khâu và chưa tạo được đột phá trong công tác quản lý rủi ro thảm họa thiên tai; vẫn còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất...
- Công tác di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn còn chậm theo phương án quy hoạch, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và theo kịp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
- Công tác luyện tập, diễn tập một số loại hình sự cố, thiên tai mới dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa thực sự mang tính huấn luyện kỹ năng cho cộng đồng.
- Trang bị, phương tiện của lực lượng chuyên ngành vẫn thiếu cả về số lượng và chủng loại.
- Sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xây dựng, thực hiện quy hoạch cũng như ứng phó một số loại hình sự cố, thiên tai vẫn còn nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
- Công tác quản lý quy hoạch còn thiếu kiên quyết nên thiệt hại do sự cố, thiên tai còn lớn.
- Công trình phòng, chống thiên tai triển khai còn chậm, công trình phòng ngừa thảm họa chiến tranh chưa được quan tâm xây dựng đúng mức, có nơi chưa được lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.