Điều kiện để công ty TNHH 2 thành viên trở lên phá sản được xóa nợ thuế như thế nào?
Điều kiện để công ty TNHH 2 thành viên trở lên phá sản được xóa nợ thuế như thế nào?
Đầu tiền, tại Điều 138 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 70 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động như sau:
Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý thuế, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã và pháp luật về phá sản. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cụ thể như sau:
a) Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty hoặc hội đồng thành viên công ty; hội đồng quản trị hoặc tổ chức thanh lý doanh nghiệp, người quản lý có liên quan trong trường hợp Điều lệ công ty quy định chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trước khi gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh;
...
2. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật
a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ doanh nghiệp tư nhân; hội đồng thành viên công ty hoặc chủ sở hữu công ty; hội đồng quản trị; quản trị của hợp tác xã; hoặc người quản lý có liên quan trong trường hợp Điều lệ công ty quy định chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ;
...
Đồng thời, tại Điều 107 Luật Phá sản 2014 quy định về quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ cụ thể như sau:
Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 83 của Luật này thì Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
2. Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật này;
b) Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt như sau:
Trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
...
Từ những quy định trên, có thể hiểu điều kiện để công ty TNHH 2 thành viên trở lên phá sản được xóa nợ thuế được quy định như sau:
Phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý thuế 2019. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cụ thể như sau:
- Hội đồng thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trước khi gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh (theo điểm a khoản 1 Điều 138 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 70 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).
- Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì hội đồng thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên chịu trách nhiệm nộp thuế (theo điểm a khoản 2 Điều 138 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 70 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Nếu trường hợp công ty không có khả năng nộp tiền thuế còn lại thì cần được tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản theo quy định tại Điều 107 Luật Phá sản 2014.
Như vậy, nếu chứng minh được hiện tại không còn tài sản để nộp tiền thuế thì công ty TNHH 2 thành viên trở lên sẽ được xóa nợ thuế theo quy định pháp luật.
Điều kiện để công ty TNHH 2 thành viên trở lên phá sản được xóa nợ thuế được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình không?
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phép giảm vốn điều lệ trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về 03 trường hợp công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phép giảm vốn điều lệ như sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.