Ngành nghề không đăng ký kinh doanh có được xuất hóa đơn không?
Ngành nghề không đăng ký kinh doanh có được xuất hóa đơn không?
Đầu tiên, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ quy định khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua, (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền của doanh nghiệp là tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
Do đó, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thực hiện kinh doanh bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ không phân biệt ngành nghề đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh chỉ cần không thuộc những ngành nghề không cấm thì được quyền xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật.
Ngành nghề không đăng ký kinh doanh có được xuất hóa đơn không? (Hình từ Internet)
Nếu thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp không thông báo thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
.....
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Căn cứ theo Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc nếu thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp không thông báo sẽ bị phạt tiền như sau:
- Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 01 ngày đến 10 ngày.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 31 ngày đến 90 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 91 ngày trở lên.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP trong trường hợp chưa thông báo thay đổi theo quy định;
+ Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 49 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.
Thay đổi những nội dung gì thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh?
Căn cứ theo Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cụ thể như sau:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh;
b) Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
c) Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
3. Công ty cổ phần phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông của công ty. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;
b) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng cổ phần: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ liên lạc của cổ đông là cá nhân; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ trong công ty; số cổ phần và loại cổ phần chuyển nhượng;
c) Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng cổ phần: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ liên lạc của cổ đông là cá nhân; số cổ phần và loại cổ phần nhận chuyển nhượng; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng của họ trong công ty;
d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
...
Theo đó, khi thay đổi những nội dung sau đây thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm:
- Ngành, nghề kinh doanh.
- Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết.
- Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.