Bỏ quy định về dừng nhập khẩu động vật hoang dã?
Bỏ quy định về dừng nhập khẩu động vật hoang dã?
Khi dịch COVID 19 diễn biến phức tạp và chưa xác định được nguồn lây thì tổ chức WHO đã khuyến cáo động vật hoang dã có thể là tác nhân gây bệnh COVID 19 sang người.
Do đó, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2020 về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Tại Mục 1 Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2020 hướng dẫn như sau:
Dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Vừa qua, khi dịch COVID 19 đã được kiểm soát thì Ban Chỉ đạo quốc gia đã thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 174/NQ-CP năm 2023 bãi bỏ một số Nghị quyết phòng chống dịch COVID 19
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1269/QĐ-TTg năm 2023 bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo Quyết định 1269/QĐ-TTg năm 2023 thì bãi bỏ đoan 1 khoản 1 của Chị thị 29/CT-TTg năm 2020 về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Như vậy, quy định về việc dừng nhập khẩu động vật hoang dã đã bị bãi bỏ từ ngày 02/11/2023. Cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu động vật hoang dã có thể tiếp tục hoạt động.
Bỏ quy định về dừng nhập khẩu động vật hoang dã? (Hình từ Internet)
Khi nào thì được khai thác mẫu vật các loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES?
Tại Điều 12 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục 1, 2 CITES như sau:
[1] Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục 1 CITES trong các trường hợp sau:
- Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
- Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
- Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
[2] Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục 2 CITES trong các trường hợp sau:
- Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
- Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
- Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Phục vụ thương mại bền vững theo quy định của pháp luật.
Cá nhân nhập khẩu mẫu vật động vật hoang dã thuộc phụ lục CITES cần đáp ứng điều kiện gì để được miễn trừ giấy phép?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 06/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES như sau:
Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES
1. Có giấy phép, chứng chỉ CITES theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
2. Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục CITES là vật dụng cá nhân, hộ gia đình được miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES khi đáp ứng các điều kiện:
a) Không vì mục đích thương mại;
b) Mang theo người hoặc là vật dụng hộ gia đình;
c) Số lượng không vượt quá theo quy định của Công ước CITES. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chịu trách nhiệm dịch và công bố kịp thời theo quy định của Công ước CITES.
Theo đó, khi nhập khẩu mẫu vật động vật hoang dã thuộc phụ lục CITES sẽ cần giấy phép, chứng chỉ CITES, tuy nhiên đối với cá nhân nhập khẩu mẫu vật động vật hoang dã phụ lục CITES đáp ứng các điều kiện sau sẽ được miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES:
[1] Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục CITES là vật dụng cá nhân, hộ gia đình;
[2] Không vì mục đích thương mại;
[3] Mang theo người hoặc là vật dụng hộ gia đình;
[4] Số lượng không vượt quá theo quy định của Công ước CITES
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.