Kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính?
- Kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính?
- Kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa phải được gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/03/2024?
- Hiện nay có thể góp tiền công đức theo những hình thức nào?
Kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính?
Ngày 30 tháng 10 năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11752/BTC-HCSN năm 2023 về việc hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa
Theo Công văn 11752/BTC-HCSN năm 2023 thì Bộ Tài chính hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ tỉnh Quảng Ninh) ban hành quyết định kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa gồm những nội dung chính sau:
[1] Mục đích kiểm tra:
- Tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa;
- Thông qua công tác kiểm tra giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương.
[2] Đối tượng kiểm tra: Các di tích lịch sử văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001.
[3] Nội dung kiểm tra:
- Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội;
- Xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
[4] Thời kỳ kiểm tra: Năm 2023
[5] Phân công trách nhiệm:
- Sở Tài chính
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Sở Nội vụ
- Ủy ban nhân dân cấp huyện
[6] Kinh phí cho hoạt động kiểm tra
Kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính? (Hình từ Internet)
Kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa phải được gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/03/2024?
Theo Tiểu mục đ Mục 1 Công văn 11752/BTC-HCSN năm 2023 hướng dẫn về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công trách nhiệm kiểm tra việc quản lý tiền công đức cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan như sau:
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ tỉnh Quảng Ninh)
...
đ) Phân công trách nhiệm:
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn cấp tỉnh; tổng hợp kết quả kiểm tra trên địa bàn tỉnh (Mẫu số 03 và 04 đính kèm), trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký duyệt, gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản kèm theo danh mục di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, gửi Sở Tài chính và các UBND cấp huyện để làm căn cứ kiểm tra.
- Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn cấp huyện.
...
Theo Tiểu mục d Mục 2 Công văn 11752/BTC-HCSN năm 2023 hướng dẫn về nhiệm vụ kiểm tra việc quản lý tiền công đức của Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện
Chủ tịch UBND cấp huyện giao Trưởng phòng Phòng Tài chính-Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ sau:
...
d) Kết thúc kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra (Mẫu số 03 và 04 đính kèm), trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký duyệt, gửi Sở Tài chính. Thời gian cấp huyện gửi báo cáo về cấp tỉnh do địa phương quyết định, bảo đảm kịp thời gian cấp tỉnh tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.
Theo đó, kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký duyệt và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/03/2023.
Trong đó, thời gian kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ do cấp trên trực tiếp quyết định nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, báo về cho Bộ Tài chính theo quy định
Hiện nay có thể góp tiền công đức theo những hình thức nào?
Tại Điều 9 Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định về tiếp nhận tiền công đức. tài trợ như sau:
Tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
1. Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
2. Tiếp nhận tiền mặt:
Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
3. Tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
4. Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Theo đó, việc góp tiền công đức hiện nay có thể thực hiện thông qua các hình thức sau:
[1] Hình thức chuyển khoản
[2] Hình thức tiền mặt
[3] Hình thức góp bằng giấy tờ có giá
[4] Hình thức góp bằng kim khí quý, đá quý
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.