Khi nào người bị kết án được miễn chấp hành án phạt tù?
Khi nào người bị kết án được miễn chấp hành án phạt tù?
Căn cứ theo Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thì người bị kết án được Viện trưởng viện kiểm sát, Tòa án miễn chấp hành án phạt tù trong trường hợp sau đây:
- Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
- Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sau khi bị kết án đã lập công;
+ Mắc bệnh hiểm nghèo;
+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
- Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
- Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Lưu ý: Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
Khi nào người bị kết án được miễn chấp hành án phạt tù? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào được hoãn chấp hành hình phạt tù?
Theo Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về những đối tượng sau đây sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù:
- Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
+ Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
+ Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
+ Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm.
Trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
- Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015.
Hồ sơ đề nghị Tòa án miễn chấp hành hình phạt tù gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 39 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục miễn chấp hành án phạt tù như sau:
Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù
1. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
b) Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;
c) Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
d) Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên; đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
Theo đó, hồ sơ đề nghị Tòa án miễn chấp hành hình phạt tù gồm những giấy tờ sau đây:
- Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền.
- Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án.
- Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.
Đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.
Lưu ý: Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc mới được phép lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.