Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào?
Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm đối tượng nào?
Căn cứ theo Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014 có quy định về người có quốc tịch Việt Nam như sau:
Người có quốc tịch Việt Nam
1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định như sau:
Quan hệ giữa Nhà nước và công dân
1. Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.
...
Như vậy, theo các quy định trên thì đối tượng có quốc tịch Việt Nam bao gồm:
- Công dân Việt Nam;
- Người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày 01 tháng 7 năm 2009;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam;
Phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam là gì?
Căn cứ theo Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam đối với công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.
- Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.
Được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó.
- Đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú.
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
- Phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
- Phải có tên gọi Việt Nam.
Những trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải biết tiếng Việt, không cần thường trú tại Việt Nam, khả năng đảm bảo cuộc sống?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì các trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải biết tiếng Việt, không cần thường trú tại Việt Nam, khả năng đảm bảo cuộc sống bao gồm:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
- Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
- Là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của:
+ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
+ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam;
+ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.