Không tố giác tội phạm có bị xem là đồng phạm hay không?
Cấu thành tội phạm của tội không tố giác tội phạm?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội không tố giác tội phạm như sau:
Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.
Như vậy, cấu thành tội phạm của tội không tố giác tội phạm như sau:
- Chủ thể:
+ Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Lưu ý: Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương 13 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Hành vi: Biết rõ một trong các tội phạm theo quy định đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.
- Hậu quả: Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Không tố giác tội phạm có bị xem là đồng phạm hay không? (Hình từ Internet)
Đồng phạm là gì?
Căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội đồng phạm như sau:
Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Như vậy, đồng phạm là hành vi có các dấu hiệu như sau:
- Số lượng: có 02 người trở lên
- Hành vi: cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
- Thành phần: có thể bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
- Hậu quả: chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Lưu ý: Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Không tố giác tội phạm có bị xem là đồng phạm hay không?
Căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, có thể thấy rằng không tố giác tội phạm và đồng phạm là hai hành vi khác nhau. Mỗi tội danh sẽ có những đặc điểm, dấu hiệu phạm tội riêng biệt.
Dấu hiệu phân biệt lớn nhất chính là hành vi phạm tội của hai tội danh:
- Không tố giác tội phạm là hành vi biết rõ người khác đã và đang thực hiện việc phạm tội nhưng không thực hiện việc tố cáo tội phạm đó. Đây là hành vi mang tính chất không thực hiện một hành vi cụ thể.
- Đồng phạm là hành vi cố ý cùng người phạm tội thực hiện một tội phạm. Đây là hành vi mang tính chất cố ý thực hiện một hành phạm tội trên thực tế dù có hậu quả hay không.
Do đó, người không tố giác tội phạm không phải là đồng phạm.
Lưu ý: người không tố giác tội phạm được xem là đồng phạm nếu người không tố giác tội phạm cùng thực hiện hành vi phạm tội đó.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.