Việt vị là gì? Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị phạm lỗi và không phạm lỗi trong trường hợp nào?
Việt vị là gì? Vị trí việt vị được xác định là vị trí như thế nào?
Tại Luật 11 của Luật Bóng đá ban hành kèm theo Quyết định 982-QĐ/UBTDTT năm 2007 có quy định về khái niệm vị trí việt vị như sau:
NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG LUẬT QUỐC TẾ
Quyết định 1: Định nghĩa về vị trí việt vị: "gần đường biên ngang sân đối phương hơn" nghĩa là bất cứ bộ phận nào như đầu, thân mình hoặc bàn chân gần với đường biên ngang của sân đối phương hơn bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ 2 (không bao gồm cánh tay).
Quyết định 2: Định nghĩa về các yếu tố liên quan chơi tích cực như sau:
- Ảnh hưởng đến trận đấu nghĩa là chơi hoặc chạm bóng do đồng đội chuyền hoặc chạm bóng trước đó.
- Ảnh hưởng đến đối phương nghĩa là ngăn không cho đối phương chơi hoặc có thể chơi bóng bằng cách ngăn cản rõ ràng tầm nhìn hoặc đường di chuyển của đối phương hoặc có cử chỉ hay sự di chuyển mà theo nhận định của trọng tài để đánh lừa hoặc làm rối trí đối phương.
- Chiếm được lợi thế ở vị trí đó nghĩa là chơi bóng từ vị trí việt vị khi bóng bật lại từ cột dọc, xà ngang hoặc từ đối phương.
Như vậy, có thể hiểu việt vị là một lỗi trong bóng đá. Vị trí việt vị là vị trí gần đường biên ngang sân đối phương hơn nghĩa là bất cứ bộ phận nào như đầu, thân mình hoặc bàn chân gần với đường biên ngang của sân đối phương hơn bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ 2 (không bao gồm cánh tay).
Ngoài ra, tại Mục 1 Luật 11 Luật Bóng đá ban hành kèm theo Quyết định 982-QĐ/UBTDTT năm 2007 có quy định về vị trí việt vị như sau:
- Cầu thủ chỉ đứng ở vị trí việt vị khi không coi là phạm luật việt vị.
- Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị khi:
+ Ở gần đường biên ngang sân đối phương hơn bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ 2.
- Cầu thủ không ở vị trí việt vị khi:
+ Còn ở phần sân đội nhà.
+ Ngang hàng với hậu vệ đối phương cuối cùng thứ 2.
+ Ngang hàng với 2 đối phương cuối cùng.
Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị phạm lỗi và không phạm lỗi trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị phạm lỗi và không phạm lỗi trong trường hợp nào?
Tại Mục 2 và Mục 3 Luật 11 Luật Bóng đá ban hành kèm theo Quyết định 982-QĐ/UBTDTT năm 2007 có quy định cầu thủ đứng ở vị trí việt vị phạm lỗi và không phạm lỗi việt vị trong trường hợp sau:
Trường hợp phạm lỗi việt vị:
Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị chỉ bị xử phạt nếu ở thời điểm đồng đội chuyền bóng hoặc chạm bóng, theo nhận định của trọng tài cầu thủ đó tham gia vào đường bóng đó một cách tích cực như:
- Tham gia tình huống đó.
- Ảnh hưởng đến đối phương.
- Cố tình chiếm lợi thế trong tình huống việt vị.
Trường hợp không phạm lỗi việt vị:
Cầu thủ đứng ở vị trí việt vị không bị phạt nếu nhận bóng trực tiếp từ:
- Quả phát bóng.
- Quả ném biên
- Quả phạt góc.
Lưu ý: Cầu thủ vi phạm bất kỳ lỗi việt vị nào, trọng tài đều cho đội đối phương hưởng quả phạt gián tiếp tại nơi xảy ra lỗi.
Ai có nhiệm vụ xác định rõ thời điểm có cầu thủ phạm luật việt vị?
Tại Luật 6 Luật Bóng đá ban hành kèm theo Quyết định 982-QĐ/UBTDTT năm 2007 có quy định về nhiệm vụ xác định rõ thời điểm có cầu thủ phạm luật việt vị như sau:
TRỢ LÝ TRỌNG TÀI
Nhiệm vụ:
Mỗi trận đấu phải có 2 trợ lý, tuỳ thuộc vào quyết định của trọng tài, trợ lý có nhiệm vụ phải xác định rõ:
a. Khi bóng đã vượt quá các vạch giới hạn của sân thi đấu.
b. Đội được đá phạt góc, phát bóng hoặc ném biên.
c. Thời điểm có cầu thủ phạm luật việt vị.
d. Theo dõi việc thay thế cầu thủ dự bị.
e. Khi có lỗi khiếm nhã hoặc có hành vi phạm luật xảy ra ngoài tầm quan sát của trọng tài.
g. Khi có tình huống phạm lỗi xảy ra ở gần vị trí của trợ lý trọng tài hơn trọng tài (kể cả những tình huống phạm lỗi trong khu phạt đền).
h. Khi đá phạt đền:
- Thủ môn có di chuyển khỏi đường cầu môn trước khi bóng được đá đi không.
- Khi bóng đã qua vạch cầu môn.
i. Trợ lý trọng tài có trách nhiệm giúp trọng tài điều hành trận đấu theo luật và đặc biệt trong các tình huống đá phạt ở gần vị trí của mình, trợ lý trọng tài có thể vào sân để giúp kiểm soát khoảng cách 9m15.
k. Trợ lý trọng tài có những quyết định không chính xác, thể hiện năng lực yếu kém có thể bị trọng tài thay thế và sự việc này trọng tài có trách nhiệm báo cáo về Ban tổ chức giải.
Như vậy, trợ lý trọng tài là người có nhiệm vụ xác định rõ thời điểm có cầu thủ phạm luật việt vị.
Lưu ý: Những quy định này áp dụng trong các cuộc thi đấu bóng đá 11 người trên toàn quốc và thi đấu quốc tế ở Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.