Một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại?

Cho hỏi: Một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại? Câu hỏi của anh Thiện (Hạ Long)

Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?

Hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về tranh chấp kinh doanh thương mại.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại 2005 có định nghĩa hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Theo đó có thể hiểu tranh chấp kinh doanh thương mại là những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể, có thể kể đến như: Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; cho thuê, cho thuê mua; xây dựng; vận chuyển hàng hóa; mua bán trái phiếu, cổ phiếu; đầu tư tài chính, ngân hàng.

Một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại?

Một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại? (Hình từ Internet)

Một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại?

Đối với vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2020 về một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, cụ thể:

Theo Tiểu mục 2 Mục 1 Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2020 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
...
2. Về thời hiệu khởi kiện
Đối với các tranh chấp KDTM mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó. Cần lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù sau:
a) Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.
b) Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...”
c) Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.
d) Đối với quy định việc gia hạn thời hiệu trong trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS.

Theo đó, có một số lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại, cụ thể:

- Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện là 3 năm (Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, quy định này đã hết hiệu lực).

Tuy nhiên, hiện nay khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thì đã không còn quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm nữa. Do đó, đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm có thể dựa vào Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết vấn đề này.

Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2014 (quy định này đã hết hiệu lực).

Theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020 (đang có hiệu lực hiện nay) thì thời hiệu trong trường hợp này là 90 ngày.

- Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014 (quy định đã hết hiệu lực)

Hiện nay, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định thì việc yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định.

- Việc gia hạn thời hiệu khi các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ sẽ căn cứ theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP (tuy nhiên, nội dung này đã hết hiệu lực)

Tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hiện nay như sau:

- Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

- Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Có bao nhiêu hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại?

Căn cứ theo Điều 317 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp cụ thể như sau:

Hình thức giải quyết tranh chấp
1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

Như vậy, theo quy định trên thì có 03 hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, bao gồm:

- Thương lượng giữa các bên.

- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Trần Cao Kỵ
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào