Hướng dẫn làm thủ tục đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành?
Những ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương khi người vợ bị chồng bạo hành?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về hành vi bạo lực gia đình như sau:
Hành vi bạo lực gia đình
1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
...
Theo đó, việc người vợ bị chồng bạo hành chính là hành vi bạo lực gia đình và là hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình
Căn cứ theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, đối với trường hợp người vợ bị chồng bạo hành thì những chủ thể sau sẽ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:
[1] Người vợ bị chồng bạo hành
[2] Cha, mẹ, người thân thích khác nếu người vợ đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình
Hướng dẫn làm thủ tục đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn làm thủ tục đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành?
Để thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn có thể tham khảo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn xin đơn phương ly hôn;
- Đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể xin cấp bản sao…
- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… của vợ và chồng;
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì chuẩn bị giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung
Bước 2: Nộp đơn đơn phương tại Tòa án có thẩm quyền
Bước 3: Tòa án sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Bước 4: Tòa án tiến hành thủ tục tố tụng giải quyết vụ án ly hôn
Bước 5: Thi hành bản án hoặc quyết định ly hôn
Mẫu đơn xin đơn phương ly hôn và hướng dẫn cách viết?
Sau đây là mẫu đơn xin đơn phương ly hôn chuẩn pháp lý mới nhất hiện nay:
Tải về miễn phí đơn xin ly hôn đơn phương chuẩn pháp lý tại đây tải về
Hướng dẫn cách viết đơn xin ly hôn đơn phương theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP:
Mục (1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện
Mục (2) Ghi tên và địa chỉ của Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự:
- Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào
- Nếu là Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
Mục (3) Ghi họ tên người khởi kiện. Đối với trường hợp người khởi kiện là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó.
Mục (4) Ghi đầy đủ nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện
Mục (5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại mục (3).
Mục (6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại mục (4).
Mục (11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết.
Mục (14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự
Mục (15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
Mục (16) Người khởi kiện phải ký tên và điểm chỉ vào đơn khởi kiện.
Trường hợp người khởi kiện là người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ;
Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.