Người học cùng lúc 02 chương trình cao đẳng phải hoàn thành khóa học trong thời gian tối đa là bao lâu?
Người học cùng lúc 02 chương trình cao đẳng phải hoàn thành khóa học trong thời gian tối đa là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chương trình và thời gian đào tạo như sau:
Chương trình và thời gian đào tạo
...
3. Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình
a) Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này;
b) Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc hai chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất;
c) Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;
d) Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.
...
Theo đó, đối với người học cùng lúc 02 chương trình cao đẳng sẽ có thời gian học tối đa bằng thời gian học của chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất.
Người học cùng lúc 02 chương trình cao đẳng phải hoàn thành khóa học trong thời gian tối đa là bao lâu? (Hình từ Internet)
Người học 02 chương trình cao đẳng khi bị thôi học ở chương trình thứ nhất thì có được học tiếp chương trình thứ hai không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH quy định về học cùng lúc hai chương trình như sau:
Học cùng lúc hai chương trình
1. Điều kiện học cùng lúc hai chương trình
a) Người học có đơn đề nghị học cùng lúc hai chương trình;
b) Đã học xong học kỳ thứ nhất đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến hai năm học, đã học xong học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện trên hai năm học. Kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên;
c) Không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người học thuộc diện phải điều chỉnh tiến độ học hoặc bị buộc thôi học ở chương trình thứ nhất thì bị buộc thôi học chương trình thứ hai.
3. Thời gian để người học hoàn thành hai chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Theo đó, người đang học hai chương trình cao đẳng cùng lúc mà bị buộc thôi học ở chương trình thứ nhất thì sẽ phải thôi học chương trình thứ 2.
Thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ cao đẳng thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:
Hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng
1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.
2. Các hình thức đăng ký dự tuyển
a) Đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp và nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển;
b) Đăng ký trực tuyến (online) trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có địa chỉ tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trên các trang thông tin điện tử của các trường;
c) Đăng ký trực tuyến (online) qua Ứng dụng “Chọn nghề” được cài đặt trên các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
3. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển
a) Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp: Nộp trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này;
b) Bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường: Nộp trực tiếp cho trường đăng ký dự tuyển hoặc gửi qua đường bưu điện theo yêu cầu của trường dự tuyển.
4. Các trường công bố phương thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển và lệ phí tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Theo đó, thủ tục đăng ký dự tuyển trình độ cao đẳng thực hiện như sau:
Bước 1: Thí sinh chuẩn bị hồ sơ gồm có
- Phiếu đăng ký dự tuyển;
- Bản sao có chứng thực các loại giấy tờ cần thiết khác tùy theo yêu cầu và tiêu chí xét tuyển hoặc thi tuyển của từng trường.
Bước 2: Thí sinh đăng ký theo 01 trong 02 phương thức sau:
- Trực tiếp: tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trực tiếp tại trường đăng ký dự tuyển;
- Trực tuyến: trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có địa chỉ tại: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động Thương binh và Xã hội của địa phương hoặc trên các trang thông tin điện tử của các trường;
Bước 3: Nộp hồ sơ theo phương thức đã đăng ký (trực tiếp hoặc trực tuyến)
Bước 4: Sau khi hồ sơ đăng ký được tiếp nhận thì thí sinh nộp lệ phí tuyển sinh theo quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.