Bản sao y và công chứng khác nhau như thế nào?
Bản sao y và công chứng khác nhau như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 có quy định về công chứng như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
...
Tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP có quy định bản sao y như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
10. Bản sao y là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định chứng thực bản sao từ bản chính như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
Như vậy, có thể phân biệt bản sao y và công chứng khác nhau như sau:
- Sao y là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản. Chẳng hạn như: sao y căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu,... Cho nên bản sao y là một bản sao có chứng thực.
- Công chứng là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Chẳng hạn như: công chứng di chúc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,... Cho nên bản công chứng là văn bản được công nhận tính xác thực.
Sao y và công chứng khác nhau như thế nào? (Hình từ Internet)
Thời hạn công chứng tối đa là bao nhiêu ngày làm việc?
Tại Điều 43 Luật Công chứng 2014 có quy định thời hạn công chứng như sau:
Thời hạn công chứng
1. Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.
2. Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Như vậy, thời hạn công chứng tối đa là 02 ngày làm việc.
Tuy nhiên nếu hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Công chứng có được thực hiện ngoài tổ chức hành nghề công chứng không?
Tại Điều 44 Luật Công chứng 2014 có quy định về địa điểm công chứng như sau:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, công chứng vẫn được thực hiện ngoài tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để công chứng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.