Tòa án quân sự có được xét xử người phạm tội không phải là quân nhân hay không?
Tòa án quân sự được tổ chức như thế nào?
Theo Điều 49 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.
Căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì Tòa án quân sự được tổ chức bao gồm:
- Tòa án quân sự trung ương.
- Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
- Tòa án quân sự khu vực.
Tòa án quân sự có được xét xử người phạm tội không phải là quân nhân hay không?
Tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự như sau:
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:
a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Như vậy, Tòa án quân sự được quyền xét xử người phạm tội không phải là quân nhân trong trường hợp sau:
- Vụ án hình sự mà bị cáo là công chức, công nhân, viên chức quốc phòng; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
- Vụ án liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân;
- Vụ án có người phạm tội phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
- Tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Tòa án quân sự có được xét xử người phạm tội không phải là quân nhân hay không? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Chánh án Tòa án quân sự?
Theo Điều 59 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 Chánh án Tòa án quân sự trung ương là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức công tác xét xử của Tòa án quân sự trung ương; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Chủ tọa phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương;
- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Tổ chức việc kiểm tra công tác của các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực;
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án của các Tòa án quân sự;
- Báo cáo công tác của Tòa án quân sự với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ trong các Tòa án quân sự, trừ Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 61 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức công tác xét xử của Tòa án quân sự quân khu và tương đương; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Báo cáo công tác của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực với Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Tư lệnh quân khu và tương đương;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình 2015 sự; giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 63 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 Chánh án Tòa án quân sự khu vực do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức công tác xét xử của Tòa án quân sự khu vực; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Báo cáo công tác của Tòa án quân sự khu vực với Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.