Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thú y có phải đóng thêm thuế GTGT khi bổ sung thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho vật nuôi?
Điều kiện để kinh doanh dịch vụ thú y?
Theo quy định Điều 21 Nghị định 35/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hành nghề thú y. Trong đó, điều kiện để kinh doanh dịch vụ thú ý bao gồm cụ thể như sau:
Thứ nhất: Cá nhân hành nghề thú y
- Có Chứng chỉ hành nghề thú y phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y.
- Có đạo đức nghề nghiệp.
- Có đủ sức khỏe hành nghề.
Thứ hai: Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y theo quy định của pháp luật.
Thứ ba: Điều kiện về chuyên môn
- Người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y:
+ Tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y
+ Hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
+ Người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
- Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
- Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
- Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y được quy định như sau:
+ Cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học;
+ Cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng Đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học.
- Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc thú y được quy định như sau:
+ Cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc là dược phẩm dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, dược sỹ, hóa dược; dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, dược sỹ, hóa dược.
+ Cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc là vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học; dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thú y có phải đóng thêm thuế GTGT khi bổ sung thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho vật nuôi? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 109 Luật Thú y 2015 quy định về cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y như sau:
Cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y
1. Thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề thú y như sau:
a) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp Chứng chỉ hành nghề thú y quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 107 của Luật này.
b) Cục Thú y cấp Chứng chỉ hành nghề thú y quy định tại khoản 4 Điều 107 của Luật này.
....
Thông qua quy định trên, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y được xác định như sau:
- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp Chứng chỉ hành nghề thú y đối với các loại hình hành nghề thú y cụ thể như:
+ Tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y.
+ Khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật.
+ Buôn bán thuốc thú y.
- Cục Thú y cấp Chứng chỉ hành nghề thú y đối với hoạt động sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thú y có phải đóng thêm thuế GTGT khi bổ sung thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho vật nuôi?
Theo hướng dẫn của Công văn 91948/CT-TTHT năm 2019 hướng dẫn về chính sách thuế GTGT cụ thể như:
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Công ty TNHH Dosum Hospital là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh là dịch vụ thú y, muốn bổ sung thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho vật nuôi (chó, mèo) bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thì các sản phẩm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp Công ty cung cấp các loại thức ăn cho chó, mèo như: Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh vị cá hồi; Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh vị cá hồi và khoai tây; Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó trên 6 tháng tuổi có thịt, vị cừu 2 kg; Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho chó trên 6 tháng tuổi, vị vịt. Nhãn hiệu ANF - 2 kg thì đề nghị Công ty liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được giải đáp cụ thể về danh mục thức ăn chăn nuôi theo quy định.
......
Như vậy, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thú y, muốn bổ sung thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho vật nuôi thì không phải đóng thêm thuế GTGT trong trường hợp thức ăn cho vật nuôi mà doanh nghiệp cung cấp bao gồm:
- Các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc
- Các loại sản phẩm chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi
Bởi vì các sản phẩm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.