Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự?
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự?
Theo Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tải về Dự thảo quy định về những nội dung chính sau:
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, bao gồm:
- Thẩm quyền xét xử theo đối tượng
- Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ,
- Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp,
- Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật
Về đối tượng áp dụng: áp dụng đối với Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự?
Căn cứ theo Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại đây theo đối tượng như sau:
- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì những vụ án hình sự mà người phạm tội là các đối tượng sau đây thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu:
+ Quân nhân tại ngũ bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân 1999, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
+ Công chức quốc phòng thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng bao gồm công dân Việt Nam được tuyển dụng vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng.
+ Công nhân và viên chức quốc phòng bao gồm những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015.
+ Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo quy định tại Luật Lực lượng dự bị động viên 2019.
+ Dân quân, tự vệ trong thời gian cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo quy định của Luật Dân quân tự vệ 2019.
+ Công dân được điều động, trưng tập vào phục vụ trong Quân đội hoặc thực hiện chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội.
- Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những vụ án hình sự mà người phạm tội không thuộc các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nếu họ phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
+ Bí mật quân sự bao gồm bí mật của Quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng, bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và được quy định trong các văn bản của các cơ quan Nhà nước, tổ chức đảng có thẩm quyền.
+ Gây thiệt hại cho Quân đội thuộc một trong các trường hợp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội.
- Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Đối với những người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại đây trong địa bàn thiết quân luật như sau:
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật
1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật.
2. Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật, thì Tòa án quân sự ở nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án.
3. Trường hợp sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án mà địa bàn nơi tội phạm xảy ra không còn trong tình trạng thi hành lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án.
Như vậy, trong thời hạn thi hành lệnh thiết quân luật thì:
- Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả mọi tội phạm xảy ra trong địa bàn thực hiện lệnh thiết quân luật;
- Nếu vụ án xảy ra ở nhiều nơi trong có có nơi đang thực hiện lệnh thiết quân luật thì Tòa an quân sự nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án;
- Tòa án quân sự tiếp tục xét xử vụ án đã thụ lý ngay cả khi địa bàn nơi tội phạm xảy ra không còn trong tình trạng thi hành lệnh thiết quân luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.