Khách hàng không cư trú phải đáp ứng điều kiện gì khi tham gia bảo lãnh ngân hàng?
Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bảo lãnh như sau:
Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
....
Mặt khác, căn cứ theo khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
.....
18. Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận
....
Như vậy, bảo lãnh ngân hàng là một hình thức cấp tín dụng thông qua hoạt động này, các tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện thay nghĩa vụ tài chính với khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đủ, tất nhiên khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho bên tổ chức tín dụng như thỏa thuận các bên.
Khách hàng không cư trú phải đáp ứng điều kiện gì khi tham gia bảo lãnh ngân hàng? (Hình từ Internet).
Các chủ thể tham gia bao lãnh ngân hàng được xác định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Thông tư 11/2022/TT-NHNN thì các chủ thể tham gia bảo lãnh ngân hàng bao gồm:
- Bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bảo lãnh cho bên được bảo lãnh. Trong trường hợp đồng bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng và xác nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh bao gồm cả tổ chức tín dụng ở nước ngoài.
- Bên được bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân được bảo lãnh bởi bên bảo lãnh, bên bảo lãnh đối ứng.
- Bên nhận bảo lãnh là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng ở nước ngoài), cá nhân có quyền thụ hưởng bảo lãnh do bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phát hành.
- Bên bảo lãnh đối ứng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện bảo lãnh đối ứng cho bên được bảo lãnh.
- Bên xác nhận bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tín dụng ở nước ngoài thực hiện xác nhận bảo lãnh cho bên bảo lãnh.
Vậy khách hàng là tổ chức, cá nhân, tùy vào từng loại bảo lãnh thì khách sẽ là bên bảo lãnh hoặc bên được bảo lãnh.
Khách hàng không cư trú phải đáp ứng điều kiện gì khi tham gia bảo lãnh ngân hàng?
Đầu tiên là quy định điều kiện đối với khách hàng theo Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN như sau:
Yêu cầu đối với khách hàng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;
c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
.....
Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định khách hàng không cư trú thì sẽ có các yêu cầu như sau:
Bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau (khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài không phải đáp ứng yêu cầu này):
a) Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư;
b) Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh hoặc có bảo đảm đủ 100% giá trị bảo lãnh bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh và chứng chỉ tiền gửi của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh;
c) Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.
...
Như vậy đối với trường hợp khách hàng không cư trú thì tổ chức tín dụng chỉ được bảo lãnh cho khách hàng là tổ chức (trừ tổ chức tín dụng ở nước ngoài) phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đối với khách hàng:
+ Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế theo quy định pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó, ngoài ra còn có thể đầu tư theo các hình thức khác do pháp luật nước tiếp nhận đầu tư quy định
+ Khách hàng phải có bảo đảm hợp pháp cho nghĩa vụ thông qua hoạt động ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh hoặc có bảo đảm đủ 100% giá trị bảo lãnh bằng tài sản của khách hàng bao gồm số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại chính tổ chức tín dụng.
- Nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp.
- Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.