Có bị tử hình với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam không? Trình tự thi hành án tử hình diễn ra như thế nào?
Thi hành án tử hình là gì? Án tử hình hiện nay được thực hiện dưới hình thức nào?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019, quy định về khái niệm thi hành án tử hình. Theo đó, Thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án tử hình 2019 tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình.
Căn cứ theo quy đinh tại khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì án tử hình sẽ được thực hiện dưới hình thức tiêm thuốc độc.
Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có bị tử hình không?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam
...
Theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam......
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
...
Như vậy, người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cứ trú tại Việt Nam.
Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của Việt Nam.
Chính vì vậy, khi người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam vẫn có thể bị tử hình nếu không thuộc các trường hợp được hưởng quyền miễn trừ.
Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có bị tử hình không? Trình tự thi hành án tử hình diễn ra như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự thi hành án tử hình như thế nào?
Trình tự thi hành án tử hình được quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:
Bước 1: Áp giải người chấp hành án
Căn cứ quyết định thi hành án tử hình và yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải người chấp hành án đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.
Bước 2: Tiến hành thực hiện yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình
Cán bộ chuyên môn thuộc Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.
Bước 3: Công bố quyết định thi hành án
Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
Bước 4: Người chấp hành án tự đọc quyết định
Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố các quyết định, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc.
Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe.
Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ thi hành án tử hình.
Bước 5: Thi hành án
Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng;
Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của người đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.
Bước 6: Lập biên bản và báo cáo về việc thi hành án
Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án.
Bước 7: Bảo quản tử thi, tổ chức mai táng người đã bị thi hành án
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ người đã bị thi hành án.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án.
Bước 8: Thông báo cho nhân thân người chấp hành án tử hình
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết, trừ trường hợp thân nhân có đơn xin nhận tử thi của người đã bị thi hành án tử hình.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.