Hối lộ trong sát hạch lái xe ô tô bị áp dụng hình phạt như thế nào?
Để học bằng lái xe ô tô cần có điều kiện gì ? Bằng lái xe ô tô là giấy phép lái xe ô tô hạng mấy?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy định cụ thể về điều kiện đối với người học lái xe như sau:
Điều kiện đối với người học lái xe
1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:
a) Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
b) Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
c) Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
d) Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
đ) Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Như vậy, để học bằng lái xe ô tô cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
- Đủ tuổi đối với từng hạng giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật, tối thiểu là đủ 18 tuổi, và đáp ứng sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định.
- Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn theo từng hạng giấy phép lái xe.
Căn cứ vào Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về phân hạng giấy phép lái xe thì tùy vào tải trọng, đặc điểm, số người được chở, công dụng thì bằng lái xe ô tô sẽ là giấy phép lái xe hạng B1, hạng B2, hạng D, hạng E, hạng F (hạng FB2, hạng FC, hạng FD, hạng FE).
Hối lộ trong sát hạch lái xe ô tô bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet).
Cơ quan nào có thẩm quyền quản lý sát hạch lái xe, cấp giấy phép lái xe?
Căn cứ theo Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bị thay thế bởi khoản 1, khoản 4 Điều 12 Thông tư 05/2023/TT-BGTVT quy định về cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe
1. Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
2. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
Như vậy, mỗi cơ quan sẽ có thẩm quyền và phạm vi quản lý về sát hạch; cấp giấy phép lái xe khác nhau như sau:
- Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước.
- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cơ quan quản lý sát hạch tham mưu giúp Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe lần lượt bao gồm: Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và Người lái là tổ chức và Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Hối lộ trong sát hạch lái xe ô tô bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Căn cứ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hối lộ.
Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Việc hối lộ trong sát hạch lái xe ô tô là hành động trực tiếp hoặc trung gian đã đưa hoặc đưa cho người hoặc tổ chức liên quan đến hoạt động sát hạch lái xe ô tô tiền, tài sản, lợi ích vất chất, lợi ích phi vật chất để được tạo điều kiện trong quá trình thi, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với người học lái xe.
Hành vi hối lộ trong sát hạch lái xe ô tô là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ hối lộ thì các hình phạt áp dụng với người thực hiện hành vi có tính chất khác nhau, bao gồm hình phạt chính là phạt tù và hình phạt bổ sung là phạt tiền.
Các hình phạt chính được quy định bao gồm phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù (tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 20 năm). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Riêng trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Hoặc người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.