Người bị tạm giam đã được thả thì có tiếp tục tiến hành khởi tố vụ án hình sự hay không?
- Người bị tạm giam đã được thả thì có tiếp tục tiến hành khởi tố vụ án hình sự hay không?
- Vận chuyển bao nhiêu Heroine thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy?
- Người bị bắt trong lúc vận chuyển Heroine về để bán có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy không?
Người bị tạm giam đã được thả thì có tiếp tục tiến hành khởi tố vụ án hình sự hay không?
Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về căn cứ để tiến hành khởi tố bị can của vụ án hình sự như sau:
Khởi tố bị can
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
2. Quyết định khởi tố bị can ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, chỗ ở, nghề nghiệp của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Trường hợp bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
...
Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về căn cứ để khởi tố vụ án hình sự như sau:
Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo quy định nêu trên, việc tiến hành khởi tố vụ án hình sự khi người bị tạm giam đã được thả được lý giải như sau:
- Việc khởi tố vụ án hình sự được thực hiện khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự được ra trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Do đó, khi cơ quan điều tra đã xác định được dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành khởi tố vụ án trong thời hạn quy định.
- Vấn đề này tách biệt hoàn toàn so với việc khởi tố bị can của vụ án. Việc khởi tố bị can có thể được diễn ra trước, sau hoặc đồng thời với việc khởi tố vụ án, ngay khi xác định được người có hành vi phạm tội.
Người bị tạm giam đã được thả thì có tiếp tục tiến hành khởi tố vụ án hình sự hay không? (Hình từ Internet)
Vận chuyển bao nhiêu Heroine thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy?
Điểm a và điểm c khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vận chuyển trái phép chất ma túy như sau:
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
Theo quy định nêu trên, người vận chuyển Heroine có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu:
- Vận chuyển Heroine có khối lượng từ 0,1 gam trở lên
- Vận chuyển dưới 0,1 gam Heroine nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án một về tội phạm về ma túy theo pháp luật hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Người bị bắt trong lúc vận chuyển Heroine về để bán có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy không?
Khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vận chuyển trái phép chất ma túy như sau:
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Theo quy định nêu trên, để cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma túy ngoài điều kiện về khối lượng và hành vi, người phạm tội phải đáp ứng điều kiện về mặt mục đích của hành vi phạm tội.
Theo đó, người có hành vi vận chuyển chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người vận chuyển chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy
Vậy, người bị bắt trong lúc vận chuyển Heroine về để bán sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy mà có thể bị truy cứu về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.