Trường hợp hai công ty có cùng một người đại diện thì có ký kết hợp đồng được không? Ký hợp đồng với chính mình thì có bị vô hiệu?
Trường hợp hai công ty có cùng một người đại diện thì có ký kết hợp đồng được không?
Căn cứ Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Phạm vi đại diện
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Như vậy, theo quy định trện, trường hợp hai công ty có cùng một người đại diện thì vẫn có thể ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hay ký kết hợp đồng với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Trường hợp hai công ty có cùng một người đại diện thì có ký kết hợp đồng được không? (Hình từ Internet)
Ký hợp đồng với chính mình thì có bị vô hiệu?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.
Tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, theo các quy định trên, nếu trong cùng một hợp đồng mà một người đại diện thực hiện ký hợp đồng với hai tư cách khác nhau thì đồng nghĩa với việc họ đang thực hiện giao dịch với chính mình. Lúc này, hợp đồng sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập thì có làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người đại diện?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện
1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện
...
Như vậy, theo quy định trên, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện vẫn có thể làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện trong các trường hợp như sau:
- Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
- Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
- Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.