Nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc phát triển nông thôn là gì?
Vị trí và chức năng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là gì?
Căn cứ Điều 1 Nghị định 105/2022/NĐ-CP về vị trí và chức năng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quy định như sau:
Vị trí và chức năng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực:
- Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai,
- Phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc phát triển nông thôn là gì? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc phát triển nông thôn là gì?
Căn cứ khoản 15 Điều 2 Nghị định 105/2022/NĐ-CP về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc phát triển nông thôn có quy định như sau:
- Chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình hành động không còn nạn đói ở Việt Nam theo phân công của Chính phủ;
- Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình tổng thể phát triển nông thôn; chiến lược phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với hộ gia đình và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; ban hành các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề;
- Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện chương trình, cơ chế, chính sách phát triển cơ điện nông nghiệp; ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với hộ gia đình, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ tổ chức sản xuất, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo quy định pháp luật;
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bố trí dân cư, di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện; bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, vùng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, di cư tự do, vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện công tác định canh, bố trí dân cư trong nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chương trình, dự án xây dựng công trình kỹ thuật hạ tầng nông thôn theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 105/2022/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quy định như sau:
- Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
+ Vụ Kế hoạch; vụ Tài chính; vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; vụ Hợp tác quốc tế; vụ Pháp chế; vụ Tổ chức cán bộ.
+ Văn phòng Bộ.
+ Thanh tra Bộ.
+ Cục Trồng trọt; cục Bảo vệ thực vật; cục Chăn nuôi; cục Thú y; cục Quản lý xây dựng công trình; cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; cục Thủy lợi; cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; cục Lâm nghiệp; cục Kiểm lâm; cục Thủy sản; cục Kiểm ngư.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ:
+ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.
+ Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
+ Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp.
+ Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
+ Báo Nông nghiệp Việt Nam.
+ Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc bộ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.